Sự bùng nổ của cửa hàng trực tuyến

Mỹ có tỷ lệ diện tích cửa hàng bán lẻ tính bình quân đầu người cao nhất thế giới, cao gấp 6 lần tỷ lệ của nước Anh. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 10 nhà bán lẻ Mỹ phá sản, nhiều hơn tổng số nhà bán lẻ phá sản trong năm 2016. Các nhà bán lẻ tên tuổi, như: J.C. Penney, RadioShack, Macy's và Sears đã công bố đóng cửa hơn 100 cửa hàng. Trong khi Sports Authority thanh lý thương hiệu, thì Payless đệ đơn xin phá sản. Tuần trước, giá cổ phiếu của một số công ty may mặc Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, bao gồm Lululemon, Urban Outfitters, American Eagle… Còn nhà mốt Ralph Lauren tuyên bố sẽ đóng cửa hàng Polo lớn hàng đầu tại đại lộ Fifth Avenue, tiếp bước sau một số thương hiệu phải từ bỏ đại lộ mua sắm lớn nhất New York này.

Nhà bán lẻ Sears phải đóng cửa một số cửa hàng trong nhiều tháng qua

Cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành bán lẻ Mỹ manh nha từ cách đây gần 3 thập niên, thời điểm các nhà bán lẻ đua nhau mở các cửa hàng mới để đáp ứng nhu cầu mua sắm mạnh mẽ của những người tiêu dùng.

Thường thì sự suy thoái kinh tế sâu có thể là cách giải thích hợp lý cho “sự tuyệt chủng” của các nhà bán lẻ lớn này, nhưng GDP của Mỹ vẫn không ngừng tăng lên trong vòng 8 năm qua. Giá gas giảm, tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% là thời điểm tăng thu nhập tuyệt vời, đặc biệt là đối với người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp. Thậm chí, lượng tiêu dùng hàng hóa bán lẻ về tổng thể vẫn tăng đều đặn, mặc dù khá ít ỏi. Vậy điều gì không ổn đang xảy ra?

Giải thích đơn giản nhất cho sự sụp đổ của các cửa hàng truyền thống là bị các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon chiếm mất thị phần. Từ năm 2010 đến cuối năm 2016, doanh thu của Amazon ở Bắc Mỹ đã tăng gấp 5 lần từ 16 tỷ USD lên 80 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của Sears năm ngoái chỉ khoảng 22 tỷ USD. Có thể thấy rằng, Amazon đã tăng trưởng gấp 4 lần Sears trong 6 năm. Đáng chú ý hơn, theo một số báo cáo, một nửa trong số tất cả các hộ gia đình ở Mỹ hiện là thành viên của Amazon Prime (gói dịch vụ khách hàng thành viên cao cấp của Amazon).

Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ vì Amazon, nhìn nhận một cách đầy đủ thì phương thức mua sắm trực tuyến đã làm tốt trong một thời gian dài thông qua các phương tiện truyền thông và các loại hình giải trí trực tuyến. Bên cạnh đó, các chính sách hoàn trả dễ dàng đã khiến cho người tiêu dùng may mặc trực tuyến có thể mua sắm đồ rẻ, dễ dàng và không có rủi ro. Sự thành công của những doanh nghiệp mới thành lập như Casper, Bonobos và Warby Parker (giường, quần áo và kính) đã buộc các nhà bán lẻ cũ phải bổ sung các giao dịch và tiện lợi trực tuyến tương tự.

Hơn thế nữa, mua sắm trên thiết bị di động đang ngày càng dễ dàng hơn nhờ các ứng dụng và ví điện tử. Kể từ năm 2010, giao dịch thương mại thông qua điện thoại di động đã tăng từ 2% lên 20%. Sự gia tăng của thương mại điện tử không chỉ đẩy doanh số bán hàng trực tuyến, mà còn tạo ra những thói quen mua sắm mới, khiến họ ngồi nhà mua sắm trực tuyến thay vì tốn nhiều thời gian hơn để đến các cửa hàng truyền thống. Việc xuất hiện của Internet cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả của các cửa hàng, đẩy các nhà bán lẻ vào tình thế phải cạnh tranh quyết liệt về giá.

Xáo trộn thị trường

Ngành bán lẻ có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường việc làm Mỹ, vì cứ 10 người Mỹ ở độ tuổi lao động thì có 1 người làm cho ngành này. Tuy trả lương thấp, song ngành bán lẻ tuyển dụng lao động ở rất nhiều lứa tuổi, không cần tay nghề cao. Do đó, việc các nhà bán lẻ đóng cửa hàng loạt cửa hàng và phá sản ở tốc độ cao chưa từng thấy đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người mất việc làm.

Tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, đã có khoảng 89.000 nhân viên các cửa hàng mất việc - con số này còn nhiều hơn cả tổng số lao động làm việc cho ngành than của Mỹ. Dự kiến, trong vài tháng tới sẽ có hơn 3.000 cửa hàng sẽ bị đóng cửa, kéo theo hàng chục nghìn người sẽ mất việc.

Ông Cohen, thuộc Đại học Columbia, cho biết điều này sẽ gây ra những xáo trộn nhất định. Mặc dù các kho hàng của các cơ sở thương mại điện tử như ở Red Hook có thể thuê vài trăm người và khắc phục một phần tình trạng thất nghiệp của ngành bán lẻ truyền thống, song điều đó không thể giúp ích được gì nhiều.

“Các hoạt động bán hàng online đòi hỏi nhiều kỹ năng và tính nhạy cảm khác so với bán quần jean”, ông Cohen nói và khẳng định trên tờ New York Times: “Một cuộc khủng hoảng đang dần nổi lên trong vài năm trở lại đây khi các cửa hàng lần lượt đóng cửa, khiến công nhân mất việc và không có nơi nào khác để đi”.

“Về mặt lý thuyết, đây là việc thị trường đang hợp lý hóa chính nó, nhưng trong thời gian ngắn thì những công nhân kia sẽ sống như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.

Một trong những nhân viên mất việc do cửa hàng Saks Fifth Avenue đóng cửa

Tuy vậy, một số nhà kinh tế lập luận rằng, đây chính là cách mà thị trường vận hành. Sau cuộc suy thoái kinh tế, việc thuê mướn nhân công trong lĩnh vực bán lẻ được coi là động lực lớn cho sự phục hồi. Nhưng bây giờ nền kinh tế đã mạnh hơn, các nhân viên bán lẻ về mặt lý thuyết sẽ bị đẩy ra để đi tìm những công việc có lương cao hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn, để tạo nên sự thịnh vượng.

New York Times dẫn lời ông Mark Zandi, nhà kinh tế của công ty Moody’s cho biết: Đây là sự phá hủy một cách sáng tạo, theo cách tốt nhất của nó. Chúng ta đang giảm quy mô những phần của nền kinh tế không có tính cạnh tranh. Mặc dù điều đó gây đau khổ cho những nạn nhân trực tiếp, song đây là cách chúng ta phát triển và tạo ra sự giàu có”.

Tương lai đen tối

Hiện tại, các hãng bán lẻ Mỹ đang dừng hoạt động các cửa hàng rất nhanh để loại bỏ không gian thừa và tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khó khăn tài chính sẽ khiến các doanh nghiệp này khó thích ứng được trước sức ép ngày càng lớn từ thương mại điện tử. Đồng thời, Giám đốc dịch vụ rủi ro của S&P Global - Jim Elder dự đoán các nhà bán lẻ sẽ không thể phục hồi nhanh chóng.

Căn cứ vào nghiên cứu của S&P về thị trường bán lẻ, Sears Holdings, Bon-Ton Stores và Perfumania Holdings là những doanh nghiệp có khả năng phá sản cao nhất trong năm nay. Trong khi đó, công ty đánh giá tài chính Fitch cho rằng Nine West, Claire’s Stores, Gymboree sẽ gặp nhiều khó khăn trong một báo cáo hồi năm ngoái.

Tại một cuộc họp với các chuyên gia phân tích vào tháng trước, CEO Urban Outfitters - Richard Hayne cho rằng có quá nhiều cửa hàng, đặc biệt là các cửa hàng quần áo. “Điều này tạo ra bong bóng, giống như thị trường bất động sản và bong bóng này đang phồng lên. Chúng tôi thấy kết quả là các cửa hàng phải dừng hoạt động và giá thuê mặt bằng cũng giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai và còn có thể nhanh hơn nữa”, tờ New York Times dẫn lời ông Richard Hayne.

Một nguồn tin thân cận cho biết, Rue 21- hãng thời trang nổi tiếng dành cho thanh, thiếu niên có thể phá sản trong tháng này. Đồng thời, Bloomberg cho biết hãng quần áo trẻ em Gymboree cũng sẽ nộp đơn xin phá sản từ đầu tháng 6 tới.

Theo các số liệu của S&P Global, các cửa hàng bách hoá, đồ điện và quần áo có nguy cơ phá sản cao nhất. Trong khi đó, thực phẩm và trang trí nhà cửa là những mảng kinh doanh bán lẻ ít rủi ro hơn./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://bnews.vn/nganh-ban-le-my-roi-vao-khung-hoang/42100.html

http://www.thesaigontimes.vn/159214/My-ban-le-truyen-thong-sap-het-thoi.html

https://www.nytimes.com/2017/04/15/business/retail-industry.html