Anh sẽ không chấp nhận trả khoản tiền 100 tỷ Euro để rời khỏi EU

Trong bối cảnh EU đang chuẩn bị đề nghị Anh phải trả khoản tiền này dựa trên phân tích của báo về các đề nghị mới nghiêm ngặt hơn của Pháp và Đức, Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit của Anh David Davis ngày 3/5 tuyên bố Anh sẽ không trả khoản tiền 100 tỷ Euro để rời khỏi EU.

Phát biểu trên kênh truyền hình ITV của Anh, Bộ trưởng Davis khẳng định cần thảo luận chi tiết về các quyền và nghĩa vụ. Ông nhấn mạnh, chính phủ Anh chưa tính toán "hóa đơn" Brexit, song sẽ không chấp nhận chi trả khoản tiền lớn như vậy.

Gần đây, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua nguyên tắc "cứng rắn" trong tiến trình đàm phán với Anh, theo đó đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Anh chỉ có thể bắt đầu khi London đồng ý các điều khoản về các quyền công dân, cũng như trả những phí tổn cho "vụ ly hôn" giữa Anh và EU.

EU sẽ yêu cầu Anh tất toán trước các “hóa đơn” rời khỏi châu Âu phù hợp nhất có thể, theo đó tính đến cả những cam kết về ngân sách đến ngày nước này chính thức chia tay EU với con số không chính thức vào khoảng 60 tỷ Euro. Tuy nhiên, theo cách tính của The Financial Times, con số này lên tới 100 tỷ Euro. Những đòi hỏi ngày một gia tăng của EU đang làm nặng nề thêm chia rẽ giữa Brussels và London.

Hy Lạp đạt được thỏa thuận sơ bộ với các chủ nợ về gói cứu trợ

Ngày 2/5, Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho quốc gia này.

Hãng tin quốc gia của Hy Lạp ANA dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Euclid Tsakalotos cho biết các cuộc đàm phán đã kết thúc với một "thỏa thuận kỹ thuật sơ bộ" về tất cả các vấn đề bao gồm cải cách lao động, năng lượng, cắt giảm quỹ hưu trí và tăng thuế.

Ông Tsakalotos bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ cho phép Hy Lạp đảm bảo các biện pháp giảm nhẹ nợ, điều thiết yếu đối với sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chật vật trong khủng hoảng này. Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ Euro (tương đương 3,8 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020.

KIF điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc

Viện Tài chính Hàn Quốc (KIF) mới đây đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm ​nay, nhờ hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở sản xuất có xu hướng đi lên.

Cụ thể, KIF dự đoán GDP của nước này tăng 2,8% trong năm nay, cao hơn ước tính 2,5% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Theo KIF, nền kinh tế Hàn Quốc ước tăng trưởng 2,6% trong nửa đầu năm nay và 2,9% trong giai đoạn sáu tháng còn lại.

Xuất khẩu, một trong những trụ cột của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này, trong quý 1 vừa qua đã tăng 1,9% so với quý trước đó. KIF dự đoán sức tăng trưởng của lĩnh vực này trong năm nay sẽ đạt 3,7%, so với con số 2,1% của năm ngoái.

Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2017 từ 2,5% lên 2,6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có động thái tương tự, với con số tăng trưởng của xứ sở kim chi ước tính đạt 2,7%.

Hội nghị thường niên ADB lần thứ 50 khai mạc tại Nhật Bản

Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các sự kiện liên quan đã khai mạc tại thành phố cảng Yokohama, gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và thảo luận cách thức đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Khoảng 5.000 đại biểu, trong đó có các thống đốc ngân hàng trung ương, quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu tham gia sự kiện này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lo ngại về các chính sách hướng nội và nguy cơ địa chính trị ngày càng gia tăng có thể tác động xấu đến hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hợp tác khu vực cũng đang thu hút sự chú ý bởi năm 2017 đánh dấu mốc 20 năm xảy ra cuộc khủng hoảng châu Á 1997, từng khiến động baht của Thái Lan và nội tệ nhiều nước khác mất giá thảm hại, gây rối loạn các nền kinh tế khu vực./