Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng

Hôm nay, IMF vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo này được đưa ra giữa bối cảnh các nhà hoạch định chính sách khu vực nỗ lực tìm giải pháp đối phó với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại trước các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất.

IMF nhận định, tình trạng thắt chặt kéo dài của các điều kiện tài chính toàn cầu có thể dẫn tới sự biến động mạnh của các dòng vốn và châu Á - Thái Bình Dương có thể chịu tác động lan tỏa mạnh mẽ nếu nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế theo hướng tiêu dùng của Trung Quốc gặp nhiều trở ngại hơn dự báo.

IMF cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng tại một số đối tác thương mại lớn sẽ đặt ra nguy cơ lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với sự tham gia đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực này có thể trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự suy yếu của hoạt động thương mại thế giới.

Trong bối cảnh đó, IMF khuyến cáo rằng, tỷ giá linh hoạt nên tiếp tục giữ vai trò công cụ chính để hấp thụ các cú sốc nếu xảy ra sự thắt chặt đột ngột các điều kiện tài chính toàn cầu hoặc một sự dịch chuyển về hướng chủ nghĩa bảo hộ.

Tuy nhiên, định chế này nói thêm rằng việc can thiệp có tính toán vào thị trường ngoại hối có thể được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn khi các điều kiện thị trường rối loạn, hay biến động mạnh tỷ giá hối đoái đe dọa sự ổn định tài chính và kinh doanh.

IMF nhấn mạnh, can thiệp vào thị trường ngoại hối không nên được sử dụng để chống lại những biến động tỷ giá phản ánh những thay đổi căn bản, bao gồm môi trường thương mại toàn cầu, hoặc để thay thế cho những điều chỉnh chính sách vĩ mô cần thiết.

Hồi tháng 4 vừa qua, IMF đã nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 lên 5,5%, so với dự báo 5,4% đưa ra hồi tháng 10/2016. Năm 2016, kinh tế khu vực này tăng trưởng 5,3%.

Chưa giàu đã già

Theo IMF, dân số lão hóa và tốc độ tăng năng suất chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng tiếp tục là trở ngại trong trung hạn đối với tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo nói thêm rằng một số nước châu Á có nguy cơ “già trước khi giàu”.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dân số khu vực châu Á sẽ rơi xuống mức 0% cho tới năm 2050, hiện đã ở mức âm tại Nhật Bản và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động hiện cũng đã đạt đỉnh. Điều này có nghĩa tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng gấp 2,5 lần mức hiện tại cho tới năm 2050 và thậm chí còn cao hơn tại phía Đông châu Á.

“Tốc độ già hóa tại châu Á nhanh hơn hẳn nếu so với các khu vực từng xảy ra diễn biến tương tự là châu Âu và Mỹ, trong khi mức thu nhập trên đầu người tại đây vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức mà các nền kinh tế phát triển đạt được trong quá khứ”, IMF cho biết.

Báo cáo đánh giá, các quốc gia châu Á có ít thời gian hơn để thiết lập và áp dụng các chính sách thích nghi với sự thay đổi này so với các nền kinh tế phát triển. Như vậy, phần lần châu Á đang đối diện với rủi ro trở nên già cả trước khi giàu có.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc châu Á có thể sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng trì trệ bởi dân số già đi dẫn tới gia tăng tiết kiệm, hạn chế đầu tư, khiến các chính sách tiền tệ không phát huy được tác dụng.

Để đối mặt với thách thức này, châu Á cần có cải cách về luật lao động, chương trình nghỉ hưu và hệ thống bảo đảm an sinh xã hội. Chưa kể, vấn đề nhập cư cũng là một yếu tố bắt đầu được để tâm hơn./.