Liên minh châu Âu nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone

Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/5 đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bất chấp tình trạng chưa rõ ràng của tiến trình Anh rời EU hay chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kinh tế khu vực Eurozone, gồm 19 nước thành viên, trong năm 2017 sẽ tăng trưởng 1,7%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó và tiếp tục tăng lên 1,8% vào năm 2018 nhờ động lực là kinh tế toàn cầu cải thiện tích cực, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn đặc biệt đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Tuy nhiên, EU cũg cảnh báo việc chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách bảo hộ đối với hoạt động thương mại toàn cầu, cùng với cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU và hệ thống ngân hàng châu Âu yếu ớt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế của khu vực này.

New Zealand chính thức thông qua hiệp định TPP

Ngày 11/5, Chính phủ của Thủ tướng New Zealand Bill English​ đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã hoan nghênh quyết định trên, nhấn mạnh hiệp định TPP "vẫn có giá trị cả về kinh tế lẫn chiến lược”. Ông khẳng định New Zealand sẽ tích cực tìm kiếm và thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho TPP, đồng thời hy vọng các đối tác tham gia ký kết cũng sẽ sớm thông qua hiệp định này trong những tháng tới.

Quyết định trên được nội các New Zealand đưa ra chỉ vài ngày trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng nước này Bill English đến Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế.

New Zealand và Nhật Bản là 2 trong số 11 nước còn lại tham gia các cuộc đàm phán về tương lai của TPP, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này hồi tháng 1 vừa qua.

G7 thúc đẩy tự do thương mại, giảm tình trạng bất bình đẳng

Trong ngày họp đầu tiên 12/5 tại thành phố cảng Bari ở miền Nam Italy, các bộ trưởng tài chính G7 đã tập trung thảo luận các biện pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng, vốn là căn nguyên đưa ứng cử viên có quan điểm chống toàn cầu hóa Marine Le Pen tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, và thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cũng như đóng vai trò trong quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) của cử tri Anh.

Sau cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định chính sách bảo hộ thương mại và nói "không" với cải tiến công nghệ và toàn cầu hóa sẽ không giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Ông cảnh báo tình trạng bất bình đẳng, vốn đang gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển, sẽ gây ra vấn đề lớn về mặt kinh tế và xã hội.

Cuộc họp tại Bari diễn ra trong bối cảnh gia tăng quan ngại giữa các đối tác G7 của Mỹ về chiến lược kinh tế "Nước Mỹ trên hết" mà chính phủ của Tổng thống Donald Trump chủ trương theo đuổi.

Moody's dự báo chính sách kinh tế của tân Tổng thống Hàn Quốc

Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's cho rằng tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ tiếp tục duy trì các mục tiêu kinh tế đã vạch ra và có những điều chỉnh linh hoạt trong chính sách tài chính và kinh tế.

Sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, các chính sách tài chính có thể vẫn được duy trì và định hướng với các nguyên tắc giới hạn lạm phát ở mức 3% Tổng sản phẩm nội địa (GDP), duy trì nợ chính phủ dưới mức 45% GDP. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thể duy trì các chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh nước này có thể phải đối mặt với các cú sốc tiêu cực.

Việc ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống có thể xóa bỏ sự không chắc chắn vốn nổi lên từ quá trình chuyển giao chính trị sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất do dính bê bối tham nhũng. Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với các thách thức, trong đó có cải cách cấu trúc tập trung vào thị trường lao động, cải cách lĩnh vực công, an sinh xã hội, cải cách các tập đoàn gia đình trị (chaebol), giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình tăng nhanh./.