Đóng góp lớn cho thế giới

Trong một phát biểu gần đây, Zhu Min, phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, thế giới đã trở nên gắn kết hơn và bản đồ kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi căn bản.

Nhóm nước đang phát triển cũng đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tổng sản lượng kinh tế thế giới, sức tiêu thụ và tăng trưởng thương mại trên quy mô toàn cầu, dẫn đến "sự dịch chuyển trọng lực" của thế giới. Tuy nhiên, nếu so với Mỹ, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong những giao dịch tài chính của thế giới.

Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ có thể có tác động mạnh hơn đến phần còn lại của thế giới thông qua các "mắt xích" quan hệ tài chính

Ông Zhu đánh giá trong bối cảnh các thị trường tài chính và hoạt động thương mại của các nước "kết nối siêu mạnh" với nhau, sự phối hợp toàn cầu đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nền kinh tế tiên tiến như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang phải đối phó với bài toán hóc búa là giảm nợ và hỗ trợ tăng trưởng, giữa lúc tỷ lệ nợ công/GDP đã vọt lên mức báo động.

Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đứng đầu thế giới năm 2050

Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Công ty tư vấn Price Waterhouse Coopers (PWC) mới đây ra báo cáo cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tăng nhanh việc chuyển đổi trọng tâm kinh tế. Theo đó, đến năm 2020, quy mô của 7 nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu trong đó bao gồm Trung Quốc sẽ vượt Nhóm G7 hiện nay.

Và đến năm 2050, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ trở thành ba nền kinh tế lớn xếp hàng đầu thế giới, đồng thời phát triển nhanh hơn rất nhiều so với các nước khác. Báo cáo nêu rõ, từ năm 2011 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt 7% và chậm lại từ năm 2021 đến 2050. Dù vậy, đến năm 2040, mức tăng của Trung Quốc bình quân mỗi năm vẫn sẽ duy trì từ 3%-4%, cao hơn rất nhiều mức tăng dự kiến của Mỹ và Châu Âu.

Trong khi đó, theo báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, khu vực đồng Euro với GDP giai đoạn 2013 - 2015 dự đoán chỉ tăng 0,7% là nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất thế giới. Tiếp đó là Nhật Bản, Iran, Venezuela và Syria.

Ngân hàng Thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2013 xuống 2,4% và 2014 xuống 3,1%. Cơ quan này nhận xét: "Rủi ro giá giảm với kinh tế toàn cầu vẫn còn. Nguyên nhân là tiến trình giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu cũng như các vấn đề tài khóa ở Mỹ rất chậm chạp, Trung Quốc còn nguy cơ tăng trưởng chậm và nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể đứt quãng"./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/Home/Kinh-te-toan-cau-dang-co-nhung-thay-doi-can-ban/20133/187296.vnplus

http://taichinhthegioi.com/Ban-in/?BanTin=31020&Linhvuc=20&NgayThang=6/2/2013&Linksto=

http://taichinhthegioi.com/Ban-tin/?BanTin=30986&Linhvuc=20&NgayThang=4/2/2013&Linksto=

Lê Vân (tổng hợp)