Hy Lạp kêu gọi các chủ nợ thực hiện cam kết trì hoãn giảm nợ

Ngày 21/5, Hy Lạp khẳng định không có lý do gì để các chủ nợ của nước này là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trì hoãn giảm nợ và các khoản cho vay bởi Athens đã hoàn tất nghĩa vụ thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels của Bỉ nhằm thảo luận vấn đề nợ của Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính của nước này, ông Euclid Tsakalotos nêu rõ với việc Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp thắt chặt tài chính mới, Athens đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ đúng hạn. Do đó, không có lý do gì để trì hoãn việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Theo Bộ trưởng Tsakalotos, hiện các quyết định nằm trong tay các chủ nợ nhằm mở đường cho việc tiếp cận chương trình nới lỏng định lượng QE - chương trình mua tài sản của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và việc nước này có thể quay trở lại thị trường trái phiếu.

Trước đó, tối 19/5, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói thắt chặt chi tiêu mới mà chính phủ nước này hy vọng sẽ đảm bảo một cam kết giảm nợ và cung cấp các khoản vay mới từ các chủ nợ EU và IMF trong tháng này.

Khai mạc Diễn đàn Du lịch Thái Bình Dương tại vùng Viễn Đông Nga

Ngày 18/5, Diễn đàn Du lịch Thái Bình Dương lần thứ 3 đã chính thức khai mạc tại thành phố Vlapostok, thủ phủ tỉnh Primorye, vùng Viễn Đông Nga.

Diễn đàn năm nay diễn ra tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông từ ngày 18-21/5, thu hút sự tham gia của khoảng 40 chuyên gia từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Bên cạnh các hoạt động tọa đàm nhằm quảng bá, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch xuyên biên giới tại khu vực Đông Bắc Á, vùng Viễn Đông Nga và Siberia, còn diễn ra các hoạt động thương mại trong khuôn khổ các chương trình như diễn đàn quốc tế khu vực Đông Bắc Á, triển lãm du lịch quốc tế Thái Bình Dương thường niên, triển lãm tàu thuyền Vlapostok và các hoạt động "Ngày Du lịch."

BoJ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda vừa cho biết BoJ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp diễn ra vào ngày 17/5, ông Kuroda nói: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tiềm năng. Trong tình hình như thế, giá cả sẽ tăng lên nhưng lạm phát vẫn chưa đạt được mức mục tiêu (2%)”. Vì vậy BoJ sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

BOJ đã giữ vững chính sách tiền tệ kể từ khi điều chỉnh khung chính sách hồi tháng 9/2016 để phù hợp hơn với cuộc chiến dài hơi chống tình trạng giảm phát.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Đất nước Hoa anh đào đang trên đà phục hồi vững ổn, nhiều chuyên gia dự đoán bước đi tiếp theo của BoJ sẽ là cắt giảm quy mô của chương trình nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, thay vì mở rộng chính sách này.

Hong Kong-Trung Quốc thông qua Kết nối thị trường trái phiếu

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa chính thức phê duyệt kế hoạch kết nối thị trường trái phiếu trị giá 9.000 tỷ USD của Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài, một bước đi quan trọng để mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc.

Kế hoạch gọi là chương trình Kết nối Trái phiếu (Bond Connect), đã được soạn thảo kể từ khi Trung Quốc khởi động một kế hoạch tương tự kết nối các thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải vào năm 2014. Theo đó, Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc và Trung tâm quỹ liên ngân hàng quốc gia, Trung tâm bù trừ và lưu ký chứng khoán trung ương Trung Quốc và Trung tâm thanh toán bù trù Thượng Hải sẽ là những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng chủ chốt của Trung Quốc cho cơ chế trên.

Các cơ quan, tổ chức trên sẽ cùng phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán và Bù trừ Hong Kong cùng với Central Moneymarkets Unit để thiết lập sự tiếp cận thị trường trái phiếu của đôi bên giữa Hong Kong và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức hai bên không cho biết thời gian khởi động kế hoạch Kết nối thị trường trái phiếu./.