Niềm tin “quay lại”

Lòng tin kinh doanh tại Eurozone đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng đầu tiên của năm 2013. Đây là dấu hiệu mới nhất chứng tỏ nền kinh tế của khu vực này đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Chỉ số lòng tin kinh doanh của Ủy ban châu Âu (EC) đã tăng từ 87,8 điểm trong tháng 12/2012 lên 89,2 điểm trong tháng 1/2013, khi giới quản lý dự đoán rằng, các ngành dịch vụ và xây dựng sẽ tăng trưởng cao ở khắp 17 quốc gia thành viên Eurozone. Sự cải thiện lòng tin mạnh mẽ nhất được thể hiện ở Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, nhà kinh tế của HIS Global Insight, ông Howard Archer cũng cho biết chỉ số lòng tin kinh doanh trong Eurozone tăng lần thứ ba liên tiếp trong tháng 1, đạt mức cao nhất trong bảy tháng qua, đã cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực này đã chạm đáy vào tháng 10/2012 và triển vọng tăng trưởng hiện nay đang dần khởi sắc.

Lòng tin kinh doanh xuất hiện trở lại vì tuần này, gần 100 tỷ Euro từ nguồn tiền tư nhân đã quay lại các nước trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng nợ công.

Sự phục hồi của thị trường tài chính đã có hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nền kinh tế. Ngày càng có nhiều ý kiến nhất trí rằng, điều tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng đã qua, dù các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, dù có sự cải thiện lòng tin kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, lòng tin của các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vẫn không thay đổi, vì số đơn đặt hàng và đầu tư trong ngành này vẫn còn ít.

Bên cạnh đó, trong một phát biểu với báo giới nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2013, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho rằng, nền kinh tế đang chìm sâu trong suy thoái của Tây Ban Nha sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong nửa cuối năm 2013.

Theo ông Luis de Guindos, tình hình sẽ bớt tồi tệ trong quý đầu năm nay so với quý 4/2012 và có sự cải thiện trong quý Hai, trước khi kinh tế Tây Ban Nha dần ổn định trở lại với mức tăng trưởng 0% trong quý III và chắc chắn tăng lên trong quý IV/2013.

Ông Luis de Guindos cho biết thêm, trong những tuần tới, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thực hiện các biện pháp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn vay. Dự kiến lạc quan trên của ông Luis de Guindos được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha sẽ sụt giảm 1,5% trong năm 2013 và tăng trưởng trở lại 0,8% năm 2014.

Trước những tác động của cuộc khủng hoảng nợ, Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - đã phải thực hiện chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm tiết kiệm 150 tỷ euro (194 tỷ USD) trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014. Hành động này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn của dân chúng trên các đường phố.

Hoạt động kinh doanh tư nhân bứt phá

Theo hãng nghiên cứu Markit, hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân ở Eurozone tăng lên mức cao trong tháng 1, song hoạt động sản xuất và kinh doanh của toàn khu vực vẫn chưa tăng trưởng trở lại khi đà suy giảm tại Pháp lại sâu hơn.

Chỉ số của quản lý sức mua của Markit dựa trên cuộc khảo sát điều tra đối với hàng nghìn công ty ở Eurozone đã tăng từ mức 47,2 điểm trong tháng 12/2012 lên 48,2 điểm trong tháng 1/2013 và là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng, song lại là tháng thứ 16 ở dưới mức 50 điểm. Trong lúc nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức đang củng cố đà phục hồi, nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp lại đang chứng kiến sự giảm sút với tốc độ mạnh nhất kể từ đầu năm 2009.

Nhà kinh tế trưởng của Markit, Chris Williamson, cho rằng mức độ suy giảm sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới trước khi có thể tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, ông nhận thấy điều đáng lo ngại là tình trạng yếu kém kéo dài, khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân công với tốc độ nhanh hơn, cho thấy sự cần thiết của việc duy trì chi phí thấp nhất có thể, đề phòng sự bất ổn gia tăng trong thời gian tới.

Theo nhà phân tích Howard Archer ở IHS Global Insight, các cuộc khảo sát điều tra cho thấy nhiều dấu hiệu rằng hoạt động kinh tế ở Eurozone đã có biến chuyển vào cuối năm 2012, song không có nghĩa khu vực này đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn, khi GDP có thể giảm khoảng 0,2% trong quý 1/2013, so với mức ước giảm 0,5% trong quý 4/2012. Ông cho rằng vẫn còn quá sớm để nói đà phục hồi kinh tế của khu vực đã ổn định.

Liên quan đến tình hình kinh tế châu Âu, số liệu chính thức cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đạt thặng dư thương mại 28,8 tỷ Euro (38,4 tỷ USD) trong quý 3/2012, so với mức thâm hụt 6,8 tỷ Euro trong cùng kỳ năm 2011.

Ở Eurozone, số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu mới công bố cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của khu vực tăng từ 8 tỷ euro trong tháng 10/2012 lên 14,8 tỷ Euro trong tháng 11/2012. Điều này là cực kỳ có ý nghĩa với niềm tin trong dài hạn của nhà đầu tư và các đối tác thương mại vào Eurozone./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/Home/Chi-so-long-tin-kinh-doanh-o-Eurozone-da-tang-manh/20131/181331.vnplus

http://taichinhthegioi.com/Ban-Tin/?BanTin=30939&Linhvuc=3&NgayThang=28/1/2013&Linksto=

http://taichinhthegioi.com/Ban-Tin/?BanTin=30932&Linhvuc=3&NgayThang=28/1/2013&Linksto=

Lê Vân(tổng hợp)