Giá trị gia tăng của khu vực giảm

Giá trị gia tăng nội địa tại các quốc gia Đông Nam Á đang giảm xuống trong giai đoạn gần đây. Nhận định này được GS. Fukunari Kimura - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đưa ra tại buổi công bố cuốn sách “Mạng lưới sản xuất khu vực Đông Nam Á” của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), ngày 29/5 tại Hà Nội.

GS. Fukunari Kimura giới thiệu nội dung cuốn sách tại buổi công bố

GS. Fukunari Kimura cho biết, rất nhiều quốc gia châu Á gặp hiện tượng xói mòn giá trị gia tăng, gây ra bởi sự bành trướng của các hoạt động có gia trị gia tăng cao của các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu ở thượng nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn 1995-2008.

Cụ thể, tại các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, giá trị gia tăng nội địa trung bình của hàng hoá xuất khẩu đạt 59% trong năm 2009, trong khi tăng trưởng GDP đạt mức trên 5% trong giai đoạn 2005-2015.

Mặc dù vậy, GS. Kimura cho rằng, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2005-2015, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ tăng trưởng tốt, cả khối là 5,2%. Giá trị gia tăng nội địa từ xuất khẩu đạt 59% năm 2009.

Thành công này xuất phát từ việc áp dụng các chiến lược phát triển khai thác triệt để các cơ chế của chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, các động lực chính tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm: cấu trúc (quy mô của nền kinh tế, khoảng cách tới các trung tâm sản xuất), độ mở thương mại và đầu tư, chất lượng dịch vụ hậu cần, kết cấu hạ tầng và năng lực quản trị tốt.

Nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Riêng về Việt Nam, GS. Kimura cho biết, tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam đã giảm từ 79% năm 1995 xuống còn 64% năm 2011, nhưng tổng giá trị gia tăng của toàn nền kinh tế vẫn tăng khiến cho nền kinh tế được hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào cơ chế chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, liệu Việt Nam có ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, hay tăng trưởng xuất khẩu có đem lại đủ lợi ích cho nền kinh tế trong nước hay không?

Chuyên gia Võ Trí Thành nhận định, trước đây Việt Nam được coi là nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, chưa nhìn nhận đầu vào những giá trị trung gian như nhập khẩu. Cái nhìn về chính sách công nghiệp còn lỗi lầm.

“Các nhà đàm phán Việt Nam trong các hiệp định thường có tư tưởng tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Đây không hẳn là cái nhìn đúng, các nhà đàm phán không nghĩ nhiều đến việc giá trị gia tăng. TPP là hiệp định đầu tiên có nguyên tắc xuất xứ mang tính tích lũy rất cao, còn trong ASEAN thì không tính đến giá trị gia tăng, không tính đến tỷ trọng nguyên tắc xuất xứ”, ông Thành nói.

Ông lấy dẫn chứng từ Trung Quốc. Nhìn vào cơ cấu hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc có thể thấy, hàng hoá nhập khẩu đến từ Đài Loan là gần như bằng 0, song nếu chỉ tính riêng một chiếc điện thoại smartphone do Trung Quốc sản xuất, thì giá trị gia tăng mà Đài Loan đóng góp ước chừng chiếm tới 7%-8%.

“Lý do là bởi Đài Loan thông qua quốc gia thứ ba như Malaysia để xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, ông Thành cho hay.

Tương tự, dẫn câu chuyện về ngành điện thoại và linh kiện tại Việt Nam, ông Thành cho biết, năm 2012 Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu từ Trung Quốc (68%), Hàn Quốc (26,4%), Singapore (1,5%), Đài Loan (1,2%) để sản xuất hàng hoá xuất khẩu sang EU (44,5%), Hoa Kỳ (11,8%), Liên bang Nga (6,1%) và Hồng Kông (4,2%). Nhưng đến nay, cơ cấu nguyên vật liệu mà Việt Nam nhập khẩu để phục vụ ngành hàng này đã thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng từ Hàn Quốc và có sự xuất hiện tham gia của một số doanh nghiệp Việt Nam.

“Liệu đây có phải là do việc doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển một số nhà máy đầu tư tại Trung Quốc sang Việt Nam hay do doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu “nho nhe” đặt chân vào mạng lưới sản xuất này?”, ông Thành đặt câu hỏi và cho rằng cần phải tách lớp để có những giải pháp cụ thể, qua đó nâng cao chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi.

Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, không nên lo ngại quá nhiều về việc chúng ta phải nhập khẩu quá nhiều để sản xuất hàng hoá, kích thích xuất khẩu. “Điều cần lo ngại ở đây là tác động lan toả từ việc tham gia chuỗi, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp trong nước”, ông Thành khẳng định.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng thừa nhận, đây là câu chuyện khó về chính sách, vừa phải cân bằng cam kết với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tăng tính hấp dẫn đầu tư, vừa phải khôn khéo trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Ở góc độ khác, GS. Kimura cho rằng cần xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó từng bước nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc tiếp nhận, tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật từ các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu. “Để củng cố mạng lưới sản xuất khu vực, cần có 1 nền kinh tế mỏ neo – nguồn cầu cho cuối cùng, đầu tư và công nghệ. Trong chừng mực nào đó, ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng cần tiếp tục dựa vào các nền kinh tế khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Kimura đề xuất./.