Đây là kết quả của EMI tháng 9/2014, được ngân hàng HSBC công bố ngày 15/10, có tên "Các thị trường mới nổi phát triển tốt nhất vào quý 3, kể từ quý 1 năm 2013".

Các dữ liệu mới nhất cho thấy, trong 2 tháng liên tiếp, ngành dịch vụ tăng trưởng với tốc độ tốt hơn ngành sản xuất. Kết quả này chủ yếu nhờ tăng trưởng tại Trung Quốc, bởi ngành dịch vụ tại Brazil, Ấn Độ, và Nga tăng trưởng yếu ớt hoặc rất nhẹ. Các nhà sản xuất tại Cộng Hoà Séc báo cáo tăng trưởng mạnh nhất vào tháng 9, trong khi các nhà sản xuất tại Brazil, Hàn Quốc, và Ba Lan lại giảm.

Tăng trưởng đơn hàng mới vẫn giữ được gần với mức đỉnh của 15 tháng vào tháng 6, nhưng vẫn chậm hơn mức trung bình của 9 năm qua. Do đơn hàng mới tăng trưởng, công việc tồn đọng giảm nhẹ tháng thứ 3 liên tiếp, và tình hình chung về nhân công tại các thị trường vẫn ổn định.

Lạm phát giá cả đầu vào tiếp tục giảm thêm vào tháng 9. Áp lực chi phí của ngành sản xuất tiếp tục thấp hơn ngành dịch vụ và 4 thị trường báo cáo giá cả đầu vào ngành sản xuất đều giảm là: Trung Quốc, Ba Lan, Brazil và Hàn Quốc. Một lần nữa, các nhà sản xuất tại Nga báo cáo mức lạm phát giá cả đầu vào ngành sản xuất mạnh nhất, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng có mức lạm phát giá cả đầu vào ngành dịch vụ mạnh nhất.

Viễn cảnh kinh tế các thị trường mới nổi toàn cầu vẫn tương đối kém lạc quan trong tháng 9. Chỉ số sản lượng tương lai tại các thị trường mới nổi của HSBC khảo sát kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với sản xuất trong mười hai tháng tới, và chỉ số vào cuối quý 3 này không thay đổi nhiều so với mức thấp 3 tháng liên tiếp của tháng 8. Đáng chú ý là, kỳ vọng sản lượng sản xuất của khối doanh nghiệp tư nhân tại Nga yếu nhất kể từ khi cả hai ngành sản xuất và dịch vụ có bắt đầu yếu đi từ tháng 4/2012, thấp hơn mức hồi tháng 3./.