Mọi năm, mối lo lắng nhất của doanh nghiệp trước Tết chưa hẳn là khoản thưởng Tết cho công nhân, mà là nỗi ám ảnh về việc công nhân sẽ không trở lại làm việc sau Tết. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải rất vất vả trong việc tuyển dụng mới, đào tạo công nhân và hàng loạt những công đoạn khác… Đây là một trong những nội dung được bàn tới tại buổi Tọa đàm tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động và định hướng phát triển”, diễn ra sáng 27/2.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2013, vẫn là năm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc mất cân đối cung cầu lao động vẫn diễn ra, mặc dù có thể nhẹ hơn so với năm trước. Có thể kể tới nhiều nguyên nhân như trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về lương của người lao động… Tuy nhiên, tín hiệu tốt đối với thị trường lao động năm 2013 thể hiện qua một số nét như tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp phía nam khá cao, khoảng 90%; số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội 2 tháng đầu năm 2013 chỉ bằng 56% cùng kỳ năm 2012. Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không phải lo người lao động không trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc vận động người lao động trở lại làm việc sau Tết, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Trong giai đoạn khó khăn, việc tìm việc ổn định không dễ nên người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Thời gian qua, chúng tôi không thấy hiện tượng doanh nghiệp giữ lương của người lao động để giữ chân họ trở lại sau Tết, bà Vân cho biết thêm.

Đồng quan điểm với bà,ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho hay: trên địa bàn Hà Nội, sau tết, hầu hết các doanh nghiệp có số lao động quay lại trên 90%. Có doanh nghiệp có tới 100% lao động quay lại. Thứ nhất, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới việc làm sao để người lao động gắn bó với mình hơn trong thời gian dài, quan tâm nhiều hơn tới đời sống tinh thần người lao động. Thêm nữa, tình hình kinh tế khó khăn, người lao động chưa chắc đã tìm được việc tốt hơn mình đang làm do vậy, việc bỏ việc cũng giảm so với các năm trước.

Về thị trường việc làm năm 2013, liệu có những tín hiệu mới so với năm 2012? Thị trường việc làm trong năm 2013 rất sôi động đó là khẳng định của Bà Nguyễn Thị Hải Vân. Đặc biệt các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, có nhu cầu lao động rất lớn, và cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhưng không có nghĩa cung hoàn toàn đáp ứng cầu. Không chỉ về số lượng mà ngay cả trình độ, thể lực, thể chất của lao động Việt Nam hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng phần nào. Ví dụ về thể lực của lao động, chúng ta chỉ đạt mức trung bình, nên khi áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc thì cũng còn những hạn chế nhất định.

Năm nay, nguồn lao động đối với Bắc Ninh không phải là vấn đề lớn, ông Đỗ Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh. Từ năm 2005 đến nay khi tỉnh Bắc Ninh phát triển các khu công nghiệp thì số lao động khoảng hơn 10.000 người nhưng đến nay đã gần 200.000 người, năm 2012, số lao động tăng thêm 29.000 người và năm nay chúng tôi dự báo là tăng thêm 28.000 người. Do vậy nhu cầu lao động việc làm thì Bắc Ninh có thể hấp thụ nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Mới đây Bắc Ninh cũng đã xây dựng đề án cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, Ông Đỗ Thanh Quang cũng đưa ra cảnh báo: thị trường lao động sẽ có những ngành nghề phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất việc và những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Ví dụ như: thế mạnh của Bắc Ninh là các ngành điện, điện tử, tự động hóa.. và đây là những ngành rất cần lao động. Còn những ngành gặp khó khăn là ngành truyền thống như mộc, cơ khí, sản xuất sắt thép… Ngoài ra, năm 2012, các doanh nghiệp ngành truyền thống hoạt động gặp nhiều khó khăn nên dẫn đến dư thừa một lượng lớn lao động. Theo nhận định của tôi, năm 2013, khó khăn này vẫn tiếp tục. Do đó, cần phải chuyển dịch lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân: tình hình lao động năm 2013, các doanh nghiệp cho hay về nhu cầu lao động, thì các ngành có cơ hội việc làm lớn là chế biến gỗ, xây dựng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, điện, điện tử…

Còn với những nghề mà đòi hỏi yêu cầu cao, kỹ thuật bậc trung như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo… doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, ở đây lại có nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng cao nhưng lại rất khó tìm lao động. Nguyên nhân là do đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội. Ví dụ các nghề như lắp ráp đòi hỏi công tác đào tạo phải có máy móc thiết bị để thực hành nhưng do giá cao nên các trung tâm đào tạo không có điều kiện đầu tư.

Thu Hạnh