Cắt giảm triệt để

Những khoản cắt giảm lớn nhất nằm trong chi tiêu cho lĩnh vực nông nghiệp - bị cắt giảm từ 420 tỷ Euro xuống còn 373 tỷ Euro - và các quỹ liên kết – giảm từ 354 tỷ Euro hiện tại xuống còn 324 tỷ Euro.
Phần duy nhất của ngân sách được nhất trí “rót thêm” đáng kể là dành cho “cạnh tranh vì tăng trưởng và việc làm” - tăng từ mức 91 tỷ Euro hiện hành lên 126 tỷ Euro. Tuy đây là khoản tăng lớn nhất so với bất kỳ phần nào trong ngân sách dài hạn, mức này vẫn ít hơn so với đề xuất 164 tỷ Euro mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.
Tại bàn đàm phán sáng 8/2, phần chi tiêu hành chính trong ngân sách tương lai cũng được chấp nhận tăng chứ không bị giảm, từ mức hiện nay khoảng 57 tỷ Euro lên 61 tỷ Euro, vì ngân sách này bao trùm một giai đoạn mà EU sẽ kết nạp thêm ít nhất là một nước thành viên mới là Croatia.
Các thể chế của EU sẽ phải cắt giảm 5% số nhân viên trong vòng 4 năm tới. Số nhân viên còn lại sẽ phải làm nhiều việc hơn trong khi mức lương giữ nguyên. Lương của các quan chức EU cũng sẽ không tăng trong vòng 2 năm tới.
Liên quan đến phần được hoàn trả của các nước thành viên có khoản đóng góp lớn nhất vào ngân sách, các nước như: Đức, Anh, Hà Lan và Thụy Điển vẫn được giữ nguyên mức hoàn trả. Đan Mạch được bổ sung vào danh sách các nước hàng năm nhận được khoản hoàn trả trị giá 130 triệu Euro, trong khi khoản hoàn trả trị giá 179 triệu Euro mà Áo được hưởng hàng năm suốt 7 năm qua không được đề cập tới.

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục 0,75%
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75% được duy trì suốt từ tháng 7 năm ngoái, đồng thời xua tan mối quan ngại của Pháp rằng đồng Euro lên giá đe dọa sự phục hồi kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp thường kỳ hôm 7/2, Chủ tịch ECB Mario Draghi nêu rõ quyết định không điều chỉnh lãi suất là "nhất quán" dựa trên đánh giá rằng sức ép lạm phát có thể vẫn còn trong 17 nước sử dụng đồng euro và kinh tế Eurozone sẽ phục hồi dần dần vào cuối năm nay.
Cùng với nỗ lực kéo lãi suất vay mượn trong Eurozone xuống mức thấp kỷ lục như hiện nay ECB đã bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi (LTRO) và đưa ra cơ chế đặc biệt mới mang tên giao dịch tiền tệ trực tiếp (OMT) để mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ. Các biện pháp của ECB đã chứng minh được hiệu quả khi đã hỗ trợ các nước Eurozone vượt qua khó khăn trong cuộc khủng hoảng kéo dài đã 3 năm.
Các ngân hàng trong Eurozone đã hoàn trả trước hạn một số tiền lớn đã vay khẩn cấp từ ECB và điều đó chứng tỏ có sự cải thiện lòng tin của thị trường tài chính. Hơn nữa, sự phục hồi được dự đoán của Eurozone trong nửa cuối năm nay chủ yếu là nhờ lập trường chính sách tiền tệ mở rộng của ECB. Ông nói: "Tất cả hành động mà ECB triển khai cuối cùng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, nhờ đó chúng ta sẽ thấy nền kinh tế phục hồi dần trong nửa cuối năm nay."
Chủ tịch ECB cũng chỉ trích quan ngại của Pháp rằng đồng Euro tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi mới manh nha trong Eurozone. Ông lập luận rằng sự tăng giá của đồng tiền chung là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của niềm tin trong Eurozone. Tỷ giá hối đoái không phải là mục tiêu chính sách, nhưng lại có tầm quan trọng đối với tăng trưởng và ổn định giá cả. ECB muốn thấy rằng sự tăng giá của đồng Euro có bền vững hay không và sẽ điều chỉnh đánh giá về rủi ro chừng nào sự ổn định giá cả vẫn là mối quan ngại.

Đức: đồng Euro không được định giá quá mức
Chính phủ Đức vừa lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi gần đây của Pháp về việc tìm cách ngăn chặn đà tăng giá của đồng tiền chung châu Âu.
Theo Chính phủ Đức, đồng Euro hiện nay không phải cao quá mức và tỷ giá đồng Euro không nên được sử dụng làm công cụ thúc đẩy tính cạnh tranh. Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết chính phủ nước này xác nhận rằng đồng Euro có lúc đạt mức cao kỷ lục, song hiện nay không được định giá cao quá mức. Ông Seibert nói: "Chúng tôi đang dõi theo đà tăng giá của đồng Euro - đồng tiền đã bị giảm giá trị rất nhiều kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu."
Trước đó tại Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho rằng việc đồng Euro bị định giá quá mức đang ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và vấn đề này cần phải được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20).
Tuy nhiên, Berlin cho rằng không có lý do để cảnh báo như vậy, nhất là khi số liệu mới nhất cho thấy lòng tin đang quay trở lại trên các thị trường tài chính thuộc Eurozone. Phía Đức cũng tin rằng tỷ giá của đồng Euro đang phản ánh đúng những yếu tố cơ bản của nền kinh tế và việc để cho tỷ giá hối đoái được thả nổi linh hoạt là cách tốt nhất để hỗ trợ việc này.
Cả Nhóm 8 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G8) và G20 đều đồng ý rằng nên để thị trường quyết định tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, ông Moscovici nói rằng việc đồng Euro tăng giá trong thời gian gần đây một phần là do chính sách tiền tệ của một số nước và cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone dịu đi.
Trong mấy tháng gần đây, đồng Euro tăng giá khá mạnh khi kinh tế Eurozone được cho là cuối cùng đã hồi phục từ khủng hoảng nợ công./.

Tham khảo từ các nguồn:
http://www.vietnamplus.vn/Home/ECB-quyet-dinh-giu-nguyen-lai-suat-thap-ky-luc-075/20132/182446.vnplus
http://www.vietnamplus.vn/Home/Lanh-dao-EU-nhat-tri-ngan-sach-chung-960-ty-euro/20132/182459.vnplus
http://www.vietnamplus.vn/Home/LB-Duc-Dong-euro-khong-duoc-dinh-gia-qua-muc/20132/182396.vnplus

Lê Vân (tổng hợp)