Mặc dù đồng Euro vẫn chưa bị tác động nghiêm trọng và chính quyền Mỹ đến nay có thể xoay sở vượt qua rào cản ngân sách quan trọng song Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên "mất tập trung". Ngoài ra, bà Lagarde cũng cho rằng giới chức Mỹ cần phải "nhanh chóng xác định" cách xử lý tranh cãi về ngân sách giữa Tổng thống Barack Obama và các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội.

Khủng hoảng Eurozone: đã có thể lạc quan hơn?

WEF năm 2013 tại Davos (Thụy Sĩ) được đánh dấu bởi tinh thần lạc quan một cách thận trọng, khi dấy lên câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng Euro (Eurozone) đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, các thị trường tài chính trong thời gian gần đây đang dần ổn định trở lại, còn Thủ tướng Italy Mario Monti cho rằng, WEF năm nay hoàn toàn khác với bối cảnh năm ngoái khi Hội nghị bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng châu Âu và nỗi lo Hy Lạp có thể phải rời khỏi Eurozone.

Tâm lý lạc quan về sự tồn tại của đồng Euro có vẻ chiếm ưu thế, song những số liệu mới nhất về GDP của Tây Ban Nha lại một lần nữa nhắc nhở nguy cơ tiềm tàng về tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế trong châu lục. Trong quý 4/2012, GDP của nước này lại giảm thêm 0,6% và là quý giảm thứ 5 liên tiếp. Nền kinh tế Tây Ban Nha hiện giảm hơn 6% so với thời điểm trước khủng hoảng và đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ mùa Xuân năm 2009.

Tuy nhiên, cách tiếp cận cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng châu Âu đã có sự thay đổi khá rõ kể từ mùa hè năm ngoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết đứng đằng sau để hỗ trợ các chính phủ Eurozone đang gặp khó khăn.
Davos 2013 dường như không có ý định giải quyết cuộc tranh luận này, trong khi những người lạc quan tin tưởng rằng, tuy Tây Ban Nha là một vấn đề song cuộc khủng hoảng Eurozone chuyển sang giai đoạn dịu hơn.

Nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, đã cảnh báo những khó khăn của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone lại quay trở lại nếu các nhà điều hành không học được những bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Thủ tướng Medvedev cho biết tăng trưởng kinh tế của Nga đạt 3,5% trong năm ngoái và đặt mục tiêu tham vọng về thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ông Medvedev hy vọng vốn đầu tư sẽ tăng trung bình 10%/năm để giúp nước Nga đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng 5% mỗi năm. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, Nga đã cử một đoàn đại biểu đông nhất từ trước đến nay để đến tham dự hội nghị thường niên Davos 2013.

Trong ngày họp đầu tiên của WEF đã diễn ra cuộc tranh luận giữa Tổng thống Nigiêria, Tổng thống Nam Phi và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma khẳng định châu Phi đang phát triển và các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ nỗ lực cùng nhau phối hợp để giúp đưa châu lục này đi lên. "Lục địa đen" hiện là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trên thế giới sau khi duy trì mức tăng 5% trong hai năm qua, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nigeria cũng nhất trí rằng, châu Phi không còn đơn độc, đồng thời khẳng định hầu hết các nước trong khu vực hiện tương đối ổn định vì vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể kinh doanh và đưa ra được những dự báo trong tương lai.

Trọng tâm của “Diễn đàn Davos” là thế giới Arập

Một điều đặc biệt của Hội nghị năm nay, đó là, thế giới Arập trở thành trọng tâm của Diễn đàn tại Davos khi vua Jordan Abdullah II có bài phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp vào ngày 25/1.

Thủ tướng các nước Ai Cập, Lebanon, Libya, Tunisia và Palestine sẽ thảo luận về sự chuyển đổi đang diễn ra ở các nước Arập, trong khi thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tham gia vào một ủy ban về tương lai của Syria.

Bài phát biểu của vua Abdullah diễn ra sau những kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử quốc hội gần đây ở Jordan cho thấy những người trung thành với chế độ và các doanh nhân độc lập sẽ thắng lớn. Cuộc bầu cử được coi là một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hướng tới dân chủ của nhà vua.

Ngày 24/1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã có mặt ở Davos và kêu gọi các thành viên Hội đồng bảo an vượt qua khác biệt và chia rẽ để tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria. Ông Ban nói Hội đồng bảo an đã rũ bỏ trách nhiệm của mình nếu không thể thống nhất về cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 60.000 người thiệt mạng.

“Điều quan trọng là Hội đồng bảo an phải vượt qua bế tắc và tìm được lập trường chung tạo điều kiện cho những hành động có ý nghĩa,” ông Ban nói trong cuộc gặp mặt hàng năm của những nhân vật cấp cao trên toàn cầu tại khu nghỉ dưỡng Thụy Sĩ.

Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil cũng phát biểu ngày 24/1 về việc đất nước ông cần tập trung vào kinh tế sau hai năm chuyển đổi chính trị kể từ khi chế độ Hosni Mubarak sụp đổ.

“Hai năm trước người dân Ai Cập đứng lên và chỉ 18 ngày họ đã lật đổ Mubarak và chế độ của ông ấy để bắt đầu một thời kỳ mới”, ông nói với các phóng viên. “Sau đó chúng tôi đã hoàn tất quá trình chuyển tiếp với tất cả các định chế dân chủ có mặt. Mặt khác, chúng tôi phải bắt đay vào phát triển kinh tế.”./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/Home/Trong-tam-cua-Dien-dan-Davos-la-the-gioi-Arap/20131/180526.vnplus

http://www.vietnamplus.vn/Home/Dien-dan-Kinh-te-the-gioi-be-mac-voi-nhieu-canh-bao/20131/180640.vnplus

http://www.vietnamplus.vn/Home/Khung-hoang-Eurozone-da-qua-giai-doan-toi-te-nhat/20131/180211.vnplus

Lê Vân (tổng hợp)