Trong đánh giá thường niên về nền kinh tế Mỹ được công bố hôm 27/6, IMF cho biết, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay và năm 2018 sẽ chỉ đạt 2,1%, giảm tương ứng 0,2% và 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn với việc đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 3% của ông Trump vì nó đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề, từ dân số già đến năng suất tăng trưởng thấp và việc thị trường lao động đã gần đạt tới trạng thái việc làm đầy đủ.

Do sự không chắc chắn lớn về chính sách, “chúng tôi đã loại bỏ giả định về các biện pháp kích thích tài khóa ra khỏi dự báo của chúng tôi”, Alejandro Werner - Giám đốc Bộ phận Bán cầu Tây của IMF cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington.

Đánh giá của IMF cũng tỏ ra nghi ngờ về những dự báo có phần hơi lạc quan trong đề xuất ngân sách của Nhà Trắng, trong đó dự báo tăng trưởng sẽ tăng lên 3% vào năm 2020 và tiếp tục tăng tốc trong 7 năm nữa. Thậm chí với một “tập hợp các chính sách thúc đẩy tăng trưởng lý tưởng, mức tăng trưởng tiềm năng có thể thấp hơn dự kiến ​​trong ngân sách và sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện”, IMF cho biết trong đánh giá hôm thứ Ba.

“Để những thay đổi về chính sách thành công trong việc đạt được sự tăng trưởng bền vững và cao hơn, họ cần phải nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Mỹ”, IMF cho biết.

Việc nâng tốc độ tăng trưởng lên mức mà ông Trump dự đoán là rất hiếm ở Mỹ và ở nước ngoài, theo IMF. Chỉ có một vài trường hợp những bước nhảy vọt như vậy trong số các nền kinh tế tiên tiến kể từ những năm 1980. Những trường hợp như vậy thường chủ yếu diễn ra vào nửa cuối thập niên 90, khi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, và nhiều trường hợp xảy ra khi nền kinh tế hồi phục sau cuộc suy thoái. Thời gian duy nhất nền kinh tế Mỹ tăng tốc với tốc độ như vậy là vào đầu những năm 80 khi nó hồi phục sau cuộc suy thoái sâu.

IMF lưu ý, kinh tế Mỹ đang trải qua giai đoạn mở rộng kéo dài thứ ba kể từ năm 1850, với sự tăng trưởng việc làm “mạnh một cách bền bỉ”. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ trượt xuống 1,9% vào năm 2019 và 1,8% vào năm 2020, theo dự báo của IMF.

Các quan chức IMF cũng nói rằng, chi tiết về các chính sách kinh tế của Trump dường như chưa quyết định. Vì vậy, IMF không đưa vào trong dự báo của mình những ảnh hưởng của bất kỳ cải cách thuế nào - bởi mặc dù chính quyền Mỹ nói là ưu tiên nhưng phải được sự chấp thuận của Quốc hội - hoặc những đề xuất cắt giảm ngân sách của Trump.

Với Fed, IMF một lẫn nữa khuyến nghị nên sẵn sàng để cho sự tăng trưởng về giá vượt quá mục tiêu lạm phát một chút, một động thái “bảo hiểm có giá trị chống lại rủi ro giảm phát và buộc phải đưa lãi suất quỹ liên bang trở về mức không”.

Cũng theo IMF, dự thảo ngân sách liên bang mới nhất của Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu một phần không tương xứng đối với các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình, "dường như đi ngược lại các mục tiêu ngân sách về thúc đẩy sự an toàn và thịnh vượng cho tất cả người dân nước này".

Thay vào đó, IMF đề xuất một chính sách thuế có thể cải thiện tỷ lệ thu ngân sách liên bang trên GDP, cắt giảm ngân sách cân bằng hơn để có thể củng cố tính hiệu quả của mạng lưới an toàn xã hội cũng như các nỗ lực kiểm soát lạm phát do chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng.

Quyết định của IMF hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần thứ 4 kể từ tháng 12/2015./.