EU phạt Google 2,4 tỷ Euro vì vi phạm quy định chống độc quyền

Cơ quan chống độc quyền của EU ngày 27/6 đã công bố mức phạt 2,4 tỷ Euro (tương đương 2,7 tỷ USD) đối với Google - tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ do vi phạm quy định về chống độc quyền của khối này trong lĩnh vực bán hàng trên mạng.

Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Google có 90 ngày để chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh hoặc phải chịu mức phạt lên tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày của công ty mẹ của Google là Alphabet.

Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 7 năm từ khi xuất hiện nhiều lời than phiền từ các đối thủ như TripAdvisor, Expedia,... EU cho rằng là công cụ tìm kiếm có số lượng người sử dụng lớn nhất thế giới, Google đã lợi dụng ưu thế này, dẫn khách hàng đến những trang web bán hàng trên mạng của Google, gây thiệt hại cho nhiều đối thủ cạnh tranh khác.

Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây

Ngày 30/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây cho đến cuối năm 2018.

Sắc lệnh trên đã được Tổng thống Putin ký và đăng tải trên hệ thống cơ sở dữ liệu chính thức của Chính phủ Nga. Theo đó, lệnh cấm nhập khẩu nông sản, các sản phẩm làm từ sữa, thịt và hầu hết các thực phẩm khác từ châu Âu vào Nga sẽ được gia hạn tới ngày 31/12/2018.

Sắc lệnh trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi EU hôm 28/6 vừa qua đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến ngày 31/1/2018.

Cụ thể, các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga, trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.

Nợ toàn cầu chạm mức cao kỷ lục 217.000 tỷ USD trong năm 2016

Nghiên cứu mới nhất do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết mức nợ toàn cầu trong năm 2016 đã tăng 500 tỷ USD lên mức kỷ lục 217.000 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị chấm dứt các chính sách cho vay với lãi suất siêu thấp trong nhiều năm qua.

Trong tuần này, các thị trường trên thế giới đã bị “chấn động” khi một loạt ngân hàng trung ương lên tiếng cảnh báo về tình trạng tài sản được định giá quá đắt, vay tiêu dùng quá mức và nhu cầu bắt đầu quá trình chuẩn hóa lãi suất thế giới từ mức thấp một cách bất thường được đưa ra nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2009.

Chính sách lãi suất thấp được thực thi trong nhiều năm đã khiến nhiều người đổ xô vào các thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này đã làm bùng nổ tăng trưởng tín dụng khi các hộ gia đình, các công ty và các chính phủ “chớp lấy” cơ hội chi phí cho vay thấp nhất. Hệ quả là nợ toàn cầu hiện chiếm 327% GDP thế giới.

Australia khởi động đàm phán FTA với Liên minh Thái Bình Dương

Ngày 1/7, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo thông báo nước này đã khởi động tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh Thái Bình Dương - khối thương mại Mỹ Latinh gồm các nước Mexico, Chile, Peru và Colombia.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Ciobo cho biết chính phủ Australia đang tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao nhằm mở ra thị trường cho các nhà xuất khẩu nước này.

Liên minh Thái Bình Dương có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 1.800 tỷ USD vào năm 2016. Bốn quốc gia nói trên chiếm 38% dân số khu vực Mỹ Latinh và 57% tổng lượng nhập khẩu của khu vực này./.