Quyết tâm cải cách thể chế

Ngày 4/7 (theo giờ Việt Nam), trong phiên họp của lưỡng viện tại Điện Versailles, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vạch rõ lộ trình phát triển cho nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone trong 5 năm tới với mong muốn củng cố niềm tin của cử tri và chủ quyền của đất nước.

Theo đó, ông Macron cam kết cắt giảm 1/3 số nghị sĩ và tăng cường tiềm lực của Quốc hội để giúp các công việc trở nên linh hoạt hơn. Người đứng đầu nước Pháp muốn xóa bỏ Tòa án Công lý Cộng hòa chịu trách nhiệm giải quyết các sai phạm của quan chức chính phủ và thay vào đó là tiếp tục củng cố tính độc lập của quan tòa.

“Luật được thực hiện để hoàn chỉnh các xu hướng sâu sắc của đất nước”, ông Macron khẳng định.

Trong bài phát biểu 90 phút, Tổng thống Pháp bày tỏ ý định sẽ dùng đến các cuộc trưng cầu dân ý nếu Quốc hội Pháp không biểu quyết các cải cách về thể chế một cách kịp thời. Ông hy vọng, mọi sự thay đổi sâu rộng phải được hoàn thành trong vòng một năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết cắt giảm 1/3 số nghị sĩ

Ngoài ra, ông Macron tuyên bố trong mùa thu tới sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được ban bố sau cuộc tấn công Paris vào tháng 11/2015 để “tái thiết lập tự do cho người dân Pháp”.

Về tình hình Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp cho rằng, sau một thập kỷ khủng hoảng quản trị, các nhà lãnh đạo EU cần tiến hành cải cách khối này để chống lại tư tưởng hoài nghi châu Âu đang lan rộng trong cộng đồng.

“Pháp phải là nước khởi xướng. Tôi muốn thực hiện điều đó nhờ vào mối quan hệ gần gũi mà tôi đã xây dựng với Thủ tướng Đức Angela Merkel... Đến cuối năm nay, trên nền tảng này, chúng ta sẽ đưa ra các công ước dân chủ trên khắp châu Âu. Mỗi nước có thể ký hoặc không ký vào văn bản đó”, ông Macron nói.

Trước đó, tháng 5/2017, ông Macron và bà Merkel đã nhất trí xây dựng lộ trình làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập của EU và mở ra cánh cửa cho sự thay đổi của những hiệp ước nhằm dọn đường cho kế hoạch cải cách đầy tham vọng của khối.

Làn gió mới cho nước Pháp

Trong cuộc khảo sát có tên “Các sự đổ gãy của nước Pháp” được thực hiện trong tháng 6/2017 bởi các Viện nghiên cứu danh tiếng tại Pháp như Trường Chính trị Paris, Quỹ Jean Jaures, báo Le Monde và Hãng thăm dò dư luận Ipsos-Sopra Steria, 69% người Pháp cho rằng nước Pháp đang trên đà suy thoái. Con số này tuy cao nhưng đã ít hơn nhiều so với năm 2016, khi 86% cho rằng quốc gia này không thể tránh khỏi sự suy tàn.

Các cuộc điều tra dạng này được tiến hành mỗi năm, từ năm 2013 và trước đó luôn cho ra các kết quả bi quan. Trong các năm từ 2013 đến 2016, tỷ lệ người Pháp nhận định rằng đất nước mình đang đi sai hướng và ngày càng đánh mất vị thế quốc tế luôn ở mức rất cao từ 80 đến 90%.

Tuy nhiên, thắng lợi của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 có vẻ đã thổi luồng gió mới lạc quan hơn vào xã hội Pháp.

Ngoài việc số người lạc quan về tương lai nước Pháp tăng lên, số người tin tưởng hơn vào châu Âu cũng tăng. 41% người Pháp tin vào Liên minh châu Âu, cao hơn 14% so với cách đây 1 năm. 58% người Pháp nhận định việc Pháp nằm trong Liên minh châu Âu là điều tốt và có đến 80% ủng hộ việc Pháp là thành viên khu vực đồng tiền chung euro.

Cái nhìn đối với toàn cầu hoá cũng đỡ bi quan hơn. 52% người Pháp cho rằng toàn cầu hoá là cơ hội với nước Pháp, tăng hơn 6% so với năm ngoái.

Trong nội bộ nước Pháp, việc ông Macron đắc cử cũng mang lại nhiều thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận của dân chúng Pháp đối với nền chính trị nước này. Tỷ lệ đánh giá tốt dành cho các chính trị gia, từ Tổng thống, Nghị sĩ, dân biểu… đều tăng lên, hay chính xác hơn là đỡ bi quan hơn. Chỉ có nhìn nhận về các đảng chính trị là vẫn rất xấu khi 88% người Pháp không tin vào các đảng chính trị.

Đó có lẽ là nguyên nhân giải thích cho việc, sau chiến thắng của ông Macron, 71% người Pháp nhận định rằng việc phân chia tả - hữu trên chính trường Pháp đã lỗi thời. Nói cách khác, “hiệu ứng Macron” trong lĩnh vực này đã xoá bỏ, trong thời gian ngắn, hầu như toàn bộ bức tranh chính trị truyền thống tại Pháp.

Trong nhận định đưa ra khi công bố bản kết quả nghiên cứu, giáo sư Pascal Perrineau, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị của trường Chính trị Paris, cho rằng trong lịch sử người Pháp luôn có xu hướng ủng hộ các vị quân chủ mạnh mẽ và điều này đang tái hiện phần nào khi dân chúng Pháp ủng hộ ông Emmanuel Macron, một người mang xu hướng tương đối độc đoán trong phong cách lãnh đạo./.