IMF, WB, WTO kêu gọi nỗ lực khôi phục thương mại

Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 6/7 đã kêu gọi các nền kinh tế thành viên hành động để khôi phục thương mại.

Trong một tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Chủ tịch WB Jim Yong Kim, và Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cùng nhất trí rằng "tăng cường hội nhập thương mại kết hợp với các chính sách hỗ trợ trong nước có thể giúp tăng thu nhập và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Điều này đòi hỏi các hành động mang tính quyết định của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20".

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo trên kêu gọi các quốc gia loại bỏ các rào cản thương mại, giảm trợ cấp và các biện pháp bóp méo thương mại khác, đồng thời hối thúc chính phủ các nước có các chính sách trợ giúp những người lao động và các cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi về cơ cấu kinh tế, như hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo bổ túc và hướng nghiệp.

Anh ngăn chặn những rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng

Nhằm ngăn chặn những rủi ro đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa yêu cầu tới tháng 9/2017, các ngân hàng và các công ty tài chính phải chứng minh được các hoạt động cho vay tiêu dùng của họ không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cũng như năng lực ứng phó với nguy cơ này.

Tuy nhiên, BoE chưa vội tung ra các biện pháp thắt chặt kiểm soát cho vay tiêu dùng. Sau khi tiến hành đánh giá 20 ngân hàng, Cơ quan Giám sát và Quản lý Ngân hàng (PRA) thuộc BoE đã nêu lên mối quan ngại rằng một số ngân hàng trong số này tỏ ra chủ quan trong việc đánh giá khả năng thua lỗ đối với các danh mục cho vay của họ.

Đồng thời, khả năng của các ngân hàng đối phó với nguy cơ này cũng giảm sút trong bối cảnh nguồn vốn mà họ nắm giữ cũng như lãi suất đều giảm.

Trung Quốc tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính

Hội nghị thường kỳ quý 2 của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 4/7 cho biết nước này sẽ tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính.

Theo nguồn tin trên, PBOC sẽ vận dụng tổng hợp nhiều công cụ chính sách tiền tệ để duy trì khả năng thanh khoản ở mức cơ bản ổn định và định hướng sự tăng trưởng hợp lý của các hoạt động tín dụng tiền tệ và quy mô huy động vốn xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu đi sâu cải cách cơ cấu nguồn cung, PBOC cần phải tối ưu hóa cơ cấu huy động vốn, cơ cấu tín dụng và nâng cao tỷ trọng của kênh huy động vốn trực tiếp.

Về phương diện cải cách tài chính, Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc PBOC nhấn mạnh chính sách tiếp tục đi sâu cải cách hệ thống tài chính nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và năng lực phục vụ nền kinh tế thực, đồng thời tăng cường và hoàn thiện công tác quản lý rủi ro.

GDP của Canada tăng trưởng 0,2%

Báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada (Statistics Canada) cho biết, kinh tế Canada tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng trong năm nay với việc GDP của nước này tăng 0,2% trong tháng ​Tư vừa qua, sau khi ghi nhận sức bật khá ấn tượng trong ba tháng đầu năm.

Cũng trong tháng Tư, sản xuất dịch vụ của Canada tăng 0,3%, trong khi các ngành sản xuất hàng hóa vẫn giữ nguyên.

Tuy số liệu tăng trưởng không cao nhưng được đánh giá là khá vững chắc và đáp ứng kỳ vọng của các nhà kinh tế vì được tính dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh trong quý 1 năm nay.

Trong ba tháng đầu năm, kinh tế Canada tăng trưởng 3,7% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Việc kinh tế Canada không những tiếp tục tăng trưởng mà còn đáp ứng kỳ vọng của các nhà kinh tế đã gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ và tạo động lực cho bước tiến vững chắc trong quý 2 này, nhất là khi chỉ số niềm tin kinh doanh đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011./.