Ngày 23/7, IMF đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017 và 2018, cập nhật dự báo đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.

Theo đó, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,5% trong năm 2017 và 3,6% vào năm 2018 như trong bản báo cáo trước đó. Cũng theo IMF, mặc dù dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017-2018 cao hơn mức 3,2% ước tính cho năm 2016, song vẫn thấp hơn mức trung bình của giai đoạn trước khủng hoảng, đặc biệt đối với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, các nước xuất khẩu hàng hóa và nước đang phát triển.

Đặc biệt, nhiều nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và khó cải thiện tiềm năng tăng trưởng do dân số bị già hóa, đầu tư yếu và năng suất tăng chậm. Bên cạnh đó, do lạm phát yếu và áp lực tiền lương yếu, nên các thiết lập chính sách phải phù hợp với việc nâng cao kỳ vọng lạm phát phù hợp với các mục tiêu, thu hẹp khoảng cách sản lượng và sự tái cân bằng bên ngoài. IMF cũng cảnh báo, rủi ro đối với ổn định tài chính cần được giám sát chặt chẽ ở nhiều nền kinh tế đang nổi.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2017 của Anh 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,7%, xuất phát từ hoạt động yếu của đảo quốc sương mù trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Anh trong năm 2018 ở mức 1,5%.

Trong khi đó, tại báo cáo cập nhật lần này, IMF cho biết tăng trưởng của Eurozone được dự kiến ​​sẽ tăng mạnh vào năm 2018 và chỉ ra “động lực vững chắc”. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2017 được nâng lên 1,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4; dự báo tăng trưởng của năm 2018 cũng được nâng lên 1,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với trước đó.

Eurozone được dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2018

Ngoài ra, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2017 thêm 0,1% lên 6,7%, giải thích bằng việc tăng trưởng quý I/2017 của nước này mạnh hơn dự kiến. Trong năm 2018, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,2% lên 6,4% do kỳ vọng các nhà chức trách nước này sẽ duy trì đầu tư công cao để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP giai đoạn 2010-2020.

Còn nền kinh tế Nhật Bản, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của nước này cao hơn một chút lên 1,3% từ mức 1,2% như trong dự báo 3 tháng trước. Tuy vậy, dự báo tăng trưởng năm 2018 của Nhật Bản vẫn được giữ nguyên ở mức 0,6%.

Đối với khối ASEAN-5 (bao gồm Việt Nam), tăng trưởng trong năm 2017 đã được điều chỉnh tăng thêm 0,1%, đạt 5,1%. Dự báo cho năm 2018 không đổi, giữ nguyên mức 5,2%.

Trong ngắn hạn, IMF nhận thấy những rủi ro toàn cầu là "cân bằng", nhưng đồng thời khẳng định, trong trung hạn, rủi ro "nghiêng về xu hướng giảm".

IMF cho biết, việc kéo dài tình trạng không chắc chắn về mặt chính sách hoặc các cú sốc khác có thể dẫn tới việc điều chỉnh giá trị của các thị trường tăng giá mạnh, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán và sự gia tăng biến động từ mức siêu thấp hiện tại. Điều này có thể làm giảm mức chi tiêu và niềm tin tiêu dùng nói chung, đặc biệt là ở những quốc gia dễ bị tổn thương về tài chính.

Nước Mỹ đang theo đuổi các chính sách mâu thuẫn nhau. Việc thực hiện các đề xuất kích thích tài khóa (chẳng hạn như cải cách thuế thu nhập) có thể thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng sản lượng, nhưng việc theo đuổi các đề xuất cắt giảm chi tiêu sẽ là một lực cản.

IMF nói thêm, ở châu Âu, tình hình thị trường tích cực và ít rủi ro chính trị hơn có nghĩa là hoạt động kinh tế có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.

Trong tương lai, IMF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách giải quyết các mối quan ngại trong trung hạn bằng cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu, cũng như thương mại tự do và công bằng.

"Việc xây dựng một hệ thống thương mại cởi mở và dựa trên luật lệ đặc biệt quan trọng đối với sự thịnh vượng toàn cầu, nhưng nó phải được hỗ trợ bởi các chính sách nội địa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh, không chỉ đối với thương mại mà còn cho những thay đổi nhanh chóng về công nghệ", IMF cho hay./.