Theo truyền thông Mỹ, khác với những lần ký các dự luật quan trọng trước, lần ký này đã không có một buổi lễ ký chính thức được tổ chức long trọng.

Dự luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước với số phiếu ủng hộ áp đảo gần mức tuyệt đối, đặc biệt thể hiện áp lực của Quốc hội đối với Tổng thống Trump trong mối quan hệ với Nga. Dự luật nhắm tới các lĩnh vực quốc phòng, tình báo, khai thác mỏ, vận tải biển và đường sắt của Nga cũng như sẽ hạn chế giao dịch của các ngân hàng và công ty năng lượng Nga.

Ông Trump ký dự luật trừng phạt Nga

Luật trừng phạt mới đồng nghĩa với hy vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump chính thức chấm dứt. Những đồng minh châu Âu của Mỹ cũng bị kéo vào vòng ảnh hưởng của trừng phạt, đặc biệt các dự án đưa khí đốt Nga tới Trung Âu sẽ khó tránh khỏi hệ lụy tiêu cực.

Ngay khi có thông tin Tổng thống Mỹ ký luật trừng phạt Nga, tỷ giá đồng Rúp đã giảm nhẹ. Những trừng phạt mới sẽ tiếp nối chuỗi ngày trả đũa lẫn nhau giữa Nga và Mỹ sau những trừng phạt mà 2 bên đã áp đặt liên quan tới khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp của Nga và có thể làm tổn thương thêm nền kinh tế Nga, vốn đã suy yếu do các biện pháp trừng phạt vào năm 2014 sau vụ sáp nhập Bán đảo Crimea.

Đáp trả ngay sau đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga mới của Mỹ là "phi lý", đồng thời bày tỏ tin tưởng nước Nga sẽ vượt qua.Trên trang Facebook và Twitter cá nhân, Thủ tướng Nga khẳng định động thái của Mỹ đồng nghĩa Washington tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Moscow và đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Trump. Hơn nữa, động thái này còn thể hiện chính quyền Tổng thống Trump đang “bất lực hoàn toàn” khi chuyển giao quyền hành pháp cho Quốc hội.

Người đứng đầu chính phủ Nga cũng cho rằng, chế độ trừng phạt này đã được luật hóa và sẽ được duy trì hàng chục năm, nếu "không có điều kỳ diệu nào đó xảy ra". Hơn nữa, văn kiện này còn khắc nghiệt hơn đạo luật Jackson-Vanik, được thông qua vào năm 1974 và 38 năm sau mới được dỡ bỏ, do mang tính toàn diện và không thể hủy bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống mà không có sự đồng ý của quốc hội. Do đó, quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh, nước Nga sẽ bình tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật các lệnh trừng phạt Nga không thay đổi bất cứ điều gì "trên thực tế". Trả lời câu hỏi của phóng viên về các bước mà Nga có thể tiến hành đáp trả, ông Peskov cho hay "các biện pháp trả đũa đã được tiến hành".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt mới của Washington chắn chắn gây tổn hại quan hệ song phương, nhưng sẽ không thay đổi chính sách của Moscow.

Về phần mình, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders khẳng định, việc dự luật mới trừng phạt Nga được Tổng thống Trump kí ban hành đã phát đi "tín hiệu rõ ràng" rằng nước Mỹ không dung thứ cho hành động can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước này. Bà Sanders cũng cho hay, dù tin rằng Quốc hội đã "lấn quyền", song Tổng thống Trump vẫn kí dự luật trên vì "lợi ích đoàn kết quốc gia".

Động thái mới nhất của Mỹ đang khiến Liên minh châu Âu (EU) quan ngại sâu sắc. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng ngày tuyên bố, EU sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới nếu các lệnh trừng phạt này ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của EU. Ông Juncker khẳng định, EU phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình và sẽ kiên quyết làm điều đó./