Diễn đàn Chính sách và Chiến lược có nhiệm vụ cố vấn Tổng thống về tác động của chính sách đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và sức sản xuất. Trong khi đó, Hội đồng Ngành sản xuất Mỹ được thành lập với mục đích thúc đẩy tạo việc làm.

Quyết định của ông Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh đa số thành viên của Diễn đàn chính sách và chiến lược kinh tế cho biết muốn từ chức trong cuộc họp ngày 16/8.

Ngay sau khi nhận được thông báo của người đứng đầu Diễn đàn Chính sách và Chiến lược, ông Donald Trump đã thông báo quyết định của mình trên mạng xã hội Twitter, cho biết ông không muốn gia tăng áp lực lên hai hội đồng cố vấn trên, mà thay vào đó sẽ chấm dứt luôn hoạt động của cả hai.

Việc thành viên của các hội đồng này từ chức là nhằm phản đối tuyên bố của Tổng thống đối với vụ việc xảy ra tại Charlottesville. Cuối tuần trước, một cuộc biểu tình của những người theo chủ trương da trắng thượng đẳng (white-supermacist) đã diễn ra tại thành phố Charlottesville, bang Virginia. Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn khiến một phụ nữ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Sau vụ việc, ông Trump nói rằng chuyện xảy ra là do lỗi của “nhiều bên”, thay vì lên án mạnh nhóm ủng hộ người da trắng như mong đợi của nhiều người. Chính phát biểu không thuyết phục của ông Trump là lý do khiến CEO của Merck, Under Armour và Intel rút lui khỏi nhóm cố vấn.

Bên cạnh những vị CEO thẳng thừng rời bỏ hội đồng trong mấy ngày qua, nhiều CEO khác trong nhóm cố vấn đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Trump. Chẳng hạn, ông Jeffrey Immelt, CEO hãng công nghiệp General Electric (GE), một trong những cái tên lớn nhất trong ngành sản xuất Mỹ, nói rằng những gì ông Trump nói về vụ Charlottesville là “rất có vấn đề”.

Những phát biểu mang tính lên án của Tổng thống về vụ bạo động ở Charlottesville cũng vấp phải sự phản đối của các đảng viên Cộng hòa và cả đồng minh của Mỹ là nước Anh. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cùng nhiều đảng viên Cộng hòa khác, trong đó có cựu Tổng thống George H.W. Bush và George W. Bush cũng lên tiếng phản đối phát biểu của ông Trump. Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ quan điểm phản đối phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ khi bà cho rằng không thể đánh đồng những người theo tư tưởng phát xít với những người phản đối.

Phản ứng của ông Trump gây bất ngờ, bởi ông là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên từng giữ vai trò CEO, luôn tự coi mình là một doanh nhân thông thái và có những chủ trương thân thiện với kinh doanh.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc giải tán hai nhóm cố vấn trên không đồng nghĩa rằng giới doanh nghiệp Mỹ đã hoàn toàn quay lưng lại với ông Trump. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn hy vọng chính quyền Trump có thể thúc đẩy cải cách thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng./.