NAFTA gồm ba thành viên Mỹ, Canada và Mexico

Ngày 31/8, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đặt mục tiêu hoàn tất tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào cuối năm nay. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Canada đã nhất trí mục tiêu trên sau cuộc điện đàm thảo luận về tiến trình tái đàm phán đang diễn ra.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết nước này và Canada sẽ vẫn duy trì NAFTA ngay cả khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định từ bỏ thỏa thuận này. Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Mexico City sau cuộc gặp với các nghị sỹ, ông Guajardo khẳng định, NAFTA sẽ tiếp tục điều tiết mối quan hệ giữa Mexico và Canada, đồng thời nhấn mạnh cả Canada và Mexico đều sẽ không rút khỏi hiệp định này.

Các động thái trên diễn ra một ngày trước khi các nhà đàm phán ba nước Mexico, Mỹ và Canada bắt đầu vòng tái đàm phán NAFTA thứ 2 tại thủ đô Mexico City từ ngày 1-5/9. Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Trump liên tiếp đưa ra các cảnh báo về khả năng "quay lưng" với NAFTA, nhiều lần ám chỉ khả năng hủy bỏ NAFTA khi tuyên bố rằng để tạo dựng thỏa thuận mới cần hủy bỏ thỏa thuận cũ.

Các cuộc đàm phán 3 bên bắt đầu căng thẳng kể từ khi 3 nước tái đàm phán lần đầu tiên tại Mỹ từ ngày 16 đến 20/8. Phía Mỹ đã tỏ rõ lập trường cứng rắn khi đòi hỏi nhiều nhượng bộ quan trọng từ phía Mexico và Canada. Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xóa bỏ thâm hụt thương mại trên 60 tỷ USD/năm với Mexico. Đối với ngành công nghiệp ôtô, Mỹ có thể đưa ra các biện pháp hạn chế thông qua quy định về hạn ngạch sản xuất trong nước.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá quy tắc xuất xứ trong NAFTA là lỗi thời và đề xuất nâng thị phần của hàng nội địa lên đến 62,5% - điều mà nhiều nhà sản xuất ôtô phản đối vì cho rằng, biện pháp này có thể phản tác dụng vì Mỹ chỉ áp thuế nhập khẩu 2,5% đối với các xe ô tô nhập khẩu từ ngoài khối NAFTA.

Mỹ cũng đề xuất áp đặt các hạn chế mới dưới hình cách thức sử dụng rộng rãi hơn hạn ngạch. Điều đó sẽ đại diện cho một sự thay đổi hướng tới "thương mại quy định". Hạn ngạch đã là một đặc trưng thương mại trong NAFTA đối với các sản phẩm nông sản như đường và các sản phẩm sữa.

Ngoài ra, Mỹ còn muốn loại bỏ một tính năng của NAFTA liên quan tới giải quyết tranh chấp được gọi là Chương 19, điều cho phép Washington áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Canada và Mexico, đồng thời áp dụng các biện pháp thương mại chặt chẽ khác. Đây là vấn đề mà Canada kiên quyết phản đối. Có thể thấy rõ, về lý thuyết, trong trường hợp Mỹ kiên quyết đẩy mạnh áp dụng hạn ngạch, NAFTA sẽ đổ vỡ.

Trong khi đó, Canada phản đối việc dùng vấn đề thâm hụt thương mại làm tôn chỉ cho thành công của một thỏa thuận thương mại như NAFTA. Còn Mexico nhấn mạnh mục tiêu của việc tái đàm phán NAFTA là làm thế nào để thương mại “phát triển hơn”. Là một quốc gia theo đuổi thương mại tự do, Mexico tin tưởng vào các thị trường mở và sẽ không chấp nhận bất kỳ bước lùi nào trong NAFTA./.