Theo CBRE, quá trình đô thị hóa quy mô lớn cùng với triển vọng kinh tế tích cực tạo áp lực phát triển hệ thống hạ tầng mức độ cao tại Việt Nam. Tốc độ gia tăng dân cư thành thị (tính theo % tổng số dân cư thành thị) ở Việt Nam đã tăng từ 27% vào năm 2005 lên 34% vào năm 2015 trong khi con số này ở Thái Lan là 50%.

Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, chiếm 5,7% GDP. Tuy nhiên, đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở ASEAN vẫn thiếu sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, điều này đang là một thách thức trong khu vực. Theo ADB, hơn 90% vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của châu Á đến từ khu vực công (Hình)

Hình: Đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn tư nhân ở các nước Đông Nam Á

Hai tuyến tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là những dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh. Ngoài ra, còn có các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B,... và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch, như: Hành lang kinh tế phía Đông, tuyến đường cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.

Đồng thời, CBRE cho rằng, việc kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh sẽ có tác động tiềm tàng làm thay đổi động lực phát triển kinh tế trong khu vực. Theo đó, các lĩnh vực, như: bất động sản, logistics sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng cường giao thương kết nối trong nội bộ lãnh thổ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhờ các khoản đầu tư lớn vào phát triển kết cấu hạ tầng trong ngắn hạn và trung hạn. Trong dài hạn, sự phân tán trong các khu đô thị cũng như sự mở rộng ra ngoài trung tâm tại các đô thị và các tỉnh thành phụ cận sẽ tạo nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư, chủ sở hữu và cư dân./.