Chỉ trích nặng nề của ông Trump

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Liên hợp quốc từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã dành một phần để nói về Triều Tiên, đồng thời đề cập tới cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Warmbier bị Triều Tiên bắt giữ năm 2016 và trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê sâu trước khi qua đời hồi tháng 6.

“Nếu Mỹ buộc phải bảo vệ chính mình cũng như các đồng minh của mình, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo “cả thế giới” đang bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa từ các quốc gia nguy hiểm, cũng như chủ nghĩa khủng bố và những phần tử cực đoan.

“Những chính quyền nguy hiểm không chỉ hỗ trợ cho những kẻ khủng bố mà còn đe dọa các quốc gia khác bằng vũ khí hủy diệt mạnh nhất mà loài người từng biết đến”, Tổng thống Trump nói, đề cập tới vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ cảnh báo “cả thế giới” đang bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Trump khẳng định điều Mỹ mong muốn là “tình hữu nghị và sự hòa hợp”, chứ không phải “xung đột hay tranh chấp”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết.

Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra sau một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên trong thời gian qua. Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố sẽ phát triển kho vũ khí hạt nhân “ngang tầm” với Mỹ và cảnh báo Washington về hậu quả thảm khốc nếu tiếp tục có hành vi khiêu khích.

Thế giới bất đồng quan điểm

Tuyên bố đầy cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về Triều Tiên không chỉ gây sốc trong dư luận thế giới, mà còn trở thành đề tài gây chia rẽ các nước đồng minh của Mỹ tại cuộc họp.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe đã ngầm ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên khi nói rằng, đối thoại với Triều Tiên giờ là vô ích. Triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn là cách duy nhất để đối phó chương trình hạt nhân của nước này.

Ông Sinzo Abe cũng kêu gọi các nước thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của nước này.

“Chúng ta cần phải đảm bảo thực thi các biện pháp nghiêm ngặt và đầy đủ của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Điều cần thiết ở đây là phải hành động. Liệu chúng ta có nên chấm dứt các hành động gây hấn của Triều Tiên hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế”, ông Abe nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Sinzo Abe, Thủ tướng Anh Theresa May trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp mạnh để đối phó với Triều Tiên.

“Tôi kêu gọi những bước đi xa hơn cũng như trách nhiệm của các quốc gia nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Chúng ta không thể tiếp tục lãng phí thời gian thêm nữa mà phải đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn”, bà Theresa May nói.

Trái với quan điểm của Nhật Bản và Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố đe dọa Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trước đó.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump tại Liên hợp quốc, Thủ tướng Đức Merkel đã nói rằng, đây là một hành động sai lầm và bà phản đối những hình thức đe dọa theo kiểu như vậy. Theo Thủ tướng Đức, bất kỳ giải pháp quân sự nào đưa ra đều không phù hợp, đồng thời nhấn mạnh tới một giải pháp ngoại giao.

“Đối với cá nhân tôi và Chính phủ Đức, giải pháp duy nhất về vấn đề Triều Tiên là hòa bình, và ngoại giao. Những giải pháp khác sẽ chỉ dẫn đến thảm họa. Tôi cam đoan luôn về vấn đề này”, bà Merkel khẳng định.

Đồng tình với Đức, trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng: "Chúng tôi đã nghe rất nhiều tuyên bố kiểu này của Tổng thống Trump về Triều Tiên. Chúng tôi không nghi ngờ việc Mỹ có khả năng hủy diệt". Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga kêu gọi Mỹ nên hướng tới đối thoại với Triều Tiên.

Ông Andrei Klimov, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, bình luận với hãng tin Interfax : “Bất cứ xung đột quân sự nào cũng đồng nghĩa với việc nhiều dân thường phải thiệt mạng. Đặc biệt là khi Mỹ coi Hàn Quốc, Nhật Bản là đồng minh, những nước này có thể sẽ phải gánh hậu quả trong trường hợp xảy ra xung đột (với Triều Tiên)”.

Ông Konstantin Kosachyov, một thành viên cấp cao trong Thượng viện Nga, nhìn nhận bình luận của ông Trump “cực kỳ nguy hiểm”.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, nghị quyết của Liên hợp quốc đã nêu rõ vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao.

“Nghị quyết về Triều Tiên do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua phản ánh ý nguyện, sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết tại cuộc báo hôm 20/9.

Trước đó, tại cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết một cách hòa bình. Ông cho biết, Trung Quốc sẽ thực thi nghiêm túc nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an với Triều Tiên.

Người trong cuộc nói gì?

Trong phản ứng đầu tiên về tuyên bố huỷ diệt của Tổng thống Mỹ, đại diện Triều Tiên cho rằng ông Trump không thể đe doạ Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã tới New York, Mỹ vào sáng sớm ngày 20/9 để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trả lời phỏng vấn của báo chí ngay trước khách sạn, ông Ri đã cho biết phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ cũng như các đồng minh.

“Nếu ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể khiến chúng tôi sợ hãi bằng những ngôn từ khủng khiếp như vậy, thì đó chỉ là giấc mơ viển vông”, Ngoại trưởng Ri Yong-ho nói.

Theo Yonhap, Ngoại trưởng Ri đã sử dụng một câu tục ngữ của Triều Tiên: “Chó sủa đoàn người cứ đi”, trong đó ngụ ý rằng dù cho bị cản trở hay chỉ trích như thế nào đi chăng nữa, Bình Nhưỡng sẽ vẫn tiếp tục con đường đi của nước này.

Khi được đề nghị đưa ra bình luận về biệt danh “gã tên lửa” mà Tổng thống Donald Trump đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Ngoại trưởng Ri cho biết: “Tôi cảm thấy rất hổ thẹn cho các phụ tá của ông ấy”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Triều Tiên dự kiến sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể vào ngày mai (22/9) và gặp gỡ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một ngày sau đó.

Giới truyền thông đang mong chờ một cuộc gặp song phương giữa phái đoàn Triều Tiên và Mỹ nhân chuyến đi của Ngoại trưởng Ri tới New York. Tuy nhiên, khả năng diễn ra cuộc gặp này được cho là không cao trong bối cảnh 2 nước đang có nhiều căng thẳng như hiện nay.

Trước đó, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ja Song Nam đã bỏ đi trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Ja đã rời khỏi chỗ ngồi ngay trước khi ông Trump nói rằng Triều Tiên mang tới một mối nguy hiểm rõ ràng và chương trình vũ khí của nước này có thể dẫn tới "sự tổn thất sinh mạng không thể tưởng tượng được"./.

Tham khảo từ:

http://edition.cnn.com/2017/09/21/politics/north-korea-donald-trump-united-nations/index.html

http://www.abc.net.au/news/2017-09-21/donald-trump-north-korea-un-speech-sound-of-dog-barking/8967572

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/09/19/donald-trump-expected-rebuke-states-enabling-north-korea-debut/