Brexit “cứng” sẽ làm châu Âu mất hơn 1,2 triệu việc làm

Các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Leuven của Bỉ (KUL) vừa cảnh báo nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không nhất trí được về một cách tiếp cận mềm dẻo cho việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), điều này có thể gây ra thiệt hại lớn cho thị trường việc làm của cả hai bên.

Báo cáo của KUL so sánh những tác động tới thị trường việc làm trong 2 khả năng Brexit “cứng” và Brexit “mềm”. Theo đó, các chuyên gia dự báo châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm nếu xảy ra Brexit "cứng".

Cụ thể, trong kịch bản Brexit “mềm”, Anh và 27 nước EU sẽ vẫn duy trì cơ chế không thuế quan dù sẽ có những hàng rào thương mại phi thuế quan giữa Anh với một số nước như Na Uy.

Trong trường hợp Brexit "cứng", thuế quan giữa Anh và các nước EU sẽ được "cài đặt lại" theo đúng tỷ lệ quy định trong các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo báo cáo trên, con số việc làm bị mất tại EU trong 2 trường hợp Brexit “mềm” và “cứng” sẽ lần lượt là 284.000 và 1,2 triệu việc làm.

Khai mạc vòng 3 tái đàm phán NAFTA

Ngày 23/9, vòng tái đàm phán lần thứ ba về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã khởi động tại thủ đô Ottawa của Canada với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình thảo luận và hướng tới những bước tiến mới nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng trước đầu năm tới.

Các cuộc đàm phán vòng 3 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 23-27/9, với các nội dung tiếp nối 2 vòng đàm phán đầu tiên lần lượt diễn ra ở tại Washington (Mỹ) cuối tháng trước và Mexico City (Mexico) đầu tháng này.

Dự kiến, các bên sẽ đạt được những thỏa thuận đầu tiên về doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh, thương mại số, dịch vụ và môi trường, sau khi đạt đồng thuận trong vòng đàm phán thứ 2 vừa qua tại Mexico. Trước thềm vòng đàm phán, một số nguồn tin giấu tên cho biết phái đoàn đàm phán Mỹ có thể sẽ công khai các yêu sách đối với phiên bản NAFTA sửa đổi để đẩy nhanh tiến trình đàm phán.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu với Triều Tiên theo lệnh trừng phạt

Ngày 23/9, Trung Quốc thông báo sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên, đồng thời cấm nhập khẩu các mặt hàng dệt may từ nước này. Đây được xem là quyết định nhằm tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Bình Nhưỡng sau hành động thử hạt nhân vào ngày 3/9 vừa qua.

Trong tuyên bố đăng trên trang web, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ tinh luyện sang Triều Tiên bắt đầu từ ngày 1/10. Theo lệnh cấm trên, xuất khẩu dầu tinh luyện của Trung Quốc sẽ hạn chế xuống 2 triệu thùng/năm kể từ ngày 1/1/2018, riêng khí hóa lỏng tự nhiên sẽ bị cấm hoàn toàn và ngay lập tức.

Tuy nhiên, lệnh cấm trên sẽ không áp dụng đối với dầu thô, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất tại Triều Tiên.

Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Nga

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 22/9 đã quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Nga từ mức “BBB-” với triển vọng ổn định lên tích cực, do Moskva tiếp tục đạt được nhiều tiến triển trong việc củng cố chính sách kinh tế của mình.

Tuy nhiên, Fitch vẫn giữ nguyên dự báo tín nhiệm dài hạn ở mức “BBB-”, trong khi tín nhiệm ngắn hạn vỡ nợ phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ ở mức “F3."

Theo đánh giá của Fitch, Nga tiếp tục đạt được sự tiến bộ trong việc củng cố chính sách kinh tế của mình, đặc biệt là sự thành công chính sách thả nổi đồng Ruble, kiên trì đạt được chỉ số lạm phát mục tiêu và tính hợp lý trong chiến lược ngân sách.

Điều này kết hợp với những yếu tố dẫn đến cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố sự ổn định nền kinh tế Nga trước các cú sốc./.