Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream – 2) là một dự án xây dựng đường dẫn khí đốt quốc tế, dài 1.220 km trên biển Baltic nhằm đảm bảo cung cấp khí đốt của Nga cho EU, do công ty xây dựng của Thuỵ Sĩ, Nord Stream 2 AG, làm chủ đầu tư. Theo dự báo, sản lượng khí đốt của EU trong 20 năm tới sẽ giảm một nửa. Đường dẫn khí đốt mới sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhờ tăng sản lượng khí đốt lên 55 tỷ m3/năm. Hướng đi và cấu trúc đường ống dẫn khí mới có thiết kế giống như dự án Dòng chảy phương Bắc 1. Theo đó, Nord Stream - 2 sẽ đi qua đặc khu kinh tế và lãnh hải năm nước: Nga, Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch và Đức.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai xây dựng Nord Stream - 2 gặp nhiều cản trở ban đầu do sự không đồng tình của các bên liên quan. Bởi việc tiến hành xây dựng cần xin giấy phép của các nước như Phần Lan, Thuỵ Điển, Đức và Đan Mạch. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ không ủng hộ kế hoạch xây dựng dự án này cũng là một rào cản lớn.

Ukraina và Ba Lan lo ngại rằng việc xây dựng Nord Stream – 2 sẽ làm giảm nguồn thu từ vận chuyển quá cảnh dầu thông qua hai nước này. Người phát ngôn Chính phủ Ba Lan, ông Rafal Bohenek nhấn mạnh: “Dự án không đem lại lợi ích gì cho an ninh năng lượng của EU, mà còn làm EU phụ thuộc vào Nga nhiều hơn. Đồng thời, Ukraina sẽ nằm sâu hơn trong vùng ảnh hưởng của Nga”. Các nước Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu khác kịch liệt phản đối dự án này khi cho rằng nó sẽ đem lại những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu.

Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ và EU phản đối dự án Nord Stream - 2 là mong muốn duy trì con đường quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraina như một đòn áp lực lên Nga. Kiev đấu tranh nhằm duy trì con đường vận chuyển đang tồn tại qua nước này, điều mang lại cho ngân sách Ukraina 2 tỷ Euro/ năm.

Đan Mạch hiện nằm trong tình thế khó xử khi Đức ủng hộ Nord Stream - 2 còn Mỹ thì không. Bởi chính phủ Đan Mạch có hợp tác chặt chẽ với Mỹ về mặt quân sự. Mỹ không ủng hộ Nord Stream - 2 nên Copenhaghen cũng có ý khước từ việc xây dựng đường dẫn khí đốt này. Chính phủ Đan Mạch yêu cầu Công ty Xây dựng Nord Stream 2 AG đệ trình kế hoạch xử lý các đường ống dẫn dầu dưới đáy biển trong tương lai. Điều này không được dự thảo trong kế hoạch của Nga. Tuy nhiên, đại diện Đan Mạch cho rằng cần đàm phán với công ty về những lo ngại xử lý đường dẫn bị hỏng trên biển. Đan Mạch kêu gọi nhà đầu tư Nord Stream 2 AG cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường biển lên hàng đầu.

Berlin tuyên bố sẽ hỗ trợ Nord Stream - 2 với điều kiện duy trì đường dẫn thông qua Ukraina. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, ông Sigmar Gabriel nói rằng, phía Nga từ lâu đã rõ quan điểm của Đức. Đức cần đường dẫn Nord Stream - 2 nhưng cũng cần Nga duy trì đường dẫn khí đốt qua Ukraina và cung cấp năng lượng cho Slovakia, Cộng hoà Séc và Ba Lan. Tuy nhiên, năm ngoái, giám đốc điều hành Gazprom (Nga), ông Alexei Miller nói rằng, đến năm 2020, công ty sẽ tối ưu hoá, giảm mạnh công suất vận chuyển qua Ukraina. Theo ý kiến của ông, đường dẫn Nord Stream - 2 sẽ là con đường ngắn nhất vận chuyển khí từ Yamal đến vùng Tây Bắc châu Âu. Trong khi đó, tuyến đường qua Ukraina dài hơn con đường này khoảng 2.000 km.

Phần Lan không phản đối việc xây dựng Nord Stream – 2. Các nhà chức trách nước này nói, Nord Stream – 2 không hề ảnh hưởng đến thị trường khí đốt tại Phần Lan. Vậy nên nước này có quan điểm trung lập trong vấn đề này.

Dù gặp nhiều ý kiến trái chiều từ Mỹ và một số nước châu Âu, dự án xây dựng Nord Stream – 2 vẫn đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng. Ngày 18/9 vừa qua, đơn xin cấp phép vùng đặc quyền kinh tế của Công ty Nord Stream 2 AG được trình lên Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan. Đồng thời, thủ tục xin giấy phép cũng đang được tiến hành tại Nga, Thuỵ Điển và Đức.

Công ty Xây dựng Nord Stream 2 AG cam kết đảm bảo dự án đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, việc vận hành đường dẫn khí đốt không có tác động tiêu cực đến môi trường. Trong thời gian tới, Nord Stream – 2 được hy vọng sẽ giúp người dân EU giảm mối lo ngại về tình hình thiếu khí đốt. Hơn nữa, việc Nord Stream – 2 đi vào hoạt động sẽ nâng cao vị thế của Nga tại châu Âu, điều mà chính quyền Tổng thống Trump không mong muốn./.

Nguồn tham khảo:

1. https://ru.sputniknewslv.com/world/20170407/4387805/mario-meren-polsha-severnyj-potok-intervju.html
2. https://www.nord-stream2.com/ru/dlia-pressy/novosti-i-meropriiatiia/nord-stream-2-ag-submitted-permit-applications-in-finland-71/