Nga lưu hành đồng tiền mới có in hình bán đảo Crimea

Ngày 12/10, Nga đã ra mắt đồng tiền mới với mệnh giá 200 Ruble (3,5 USD) có in hình ảnh của bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

Tờ tiền trên có màu xanh nhạt, in hình đài tưởng niệm hải quân tại thành phố Sevastopol, nơi hạm đội Biển Đen của Nga đặt căn cứ, và các di tích của Hy Lạp và La Mã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) bảo vệ tại Chersonesus.

Trên mặt tờ tiền còn có hình bản đồ bán đảo Crimea. Các hình vẽ trên tờ tiền này đã được lựa chọn sau một cuộc thi quốc gia vào năm ngoái nhằm chọn ra các biểu tượng của Nga.

Cùng với đồng tiền mệnh giá 200 Ruble, Nga còn cho lưu hành tờ 2.000 Ruble (34,7 USD) với hình sân bay vũ trụ mới của Nga tại Vostochny ở Viễn Đông. Các mệnh giá tiền này là những đồng tiền mới đầu tiên của Nga kể từ năm 2006 và việc lưu thông tờ 200 và 2.000 Ruble giúp đẩy nhanh các giao dịch tiền mặt.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng cao kỷ lục

Ngày 13/10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng Chín vừa qua tăng lên 28,08 tỷ USD so với 26,23 tỷ USD của tháng Tám. Đây là mức thặng dư lớn nhất của Trung Quốc với Mỹ trong một tháng đơn lẻ tính từ năm 2008.

Theo thống kê, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong chín tháng đầu năm là 195,54 tỷ USD. Các số liệu này có thể sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những lập luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lâu nay vẫn phàn nàn về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước khiến nền kinh tế Mỹ bị tổn hại.

Trong khi đó, trong tám tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc tiếp tục lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ do nhu cầu trong nước tăng cao.

S&P cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Catalonia

Ngày 12/10, đánh giá về tình hình kinh tế khu vực Catalonia, cùng ngày, hãng đánh giá tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) cảnh báo cuộc khủng hoảng đòi độc lập này có thể đẩy khu vực vào giai đoạn suy thoái kinh tế.

S&P nhận định, căng thẳng giữa Catalonia và chính quyền trung ương nếu không giải quyết sẽ làm giảm mạnh chỉ số lòng tin doanh nghiệp và có thể khiến hoạt động kinh doanh đổ vỡ. Theo S&P, với triển vọng chính trị và kinh tế bất lợi này, Catalonia gần như chắc chắn sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể dẫn đến sụt giảm mạnh thậm chí là suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, mặc dù Catalonia là một trong những đầu tàu kinh tế của Tây Ban Nha song mức nợ sâu khiến khu tự trị này phải phụ thuộc vào Madrid để có thể vay tiền trên thế giới. Hồi tuần trước, S&P và Fitch cho biết đang cân nhắc hạ mức tín nhiệm đối với khu vực này.

Chính phủ Đức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017

Chính phủ Đức ngày 11/10 đã nâng mạnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 từ mức 1,5% lên 2% do nhu cầu mạnh mẽ của thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries, hiện nay kinh tế Đức đang tăng trưởng tốt và đà này có thể duy trì trong những năm sắp tới. Theo bà, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong năm 2018 có thể đạt 1,9%, tăng 0,3% so với dự báo trước đó.

Trong một thông báo, Bộ Kinh tế Đức nhấn mạnh việc đưa ra dự báo "sáng sủa hơn" đối với kinh tế Đức dựa trên "sự phục hồi trên diện rộng với một nền tảng vững chắc của nền kinh tế nội địa".

Bên cạnh đó, sức tăng trưởng nhanh hơn của nền kinh tế thế giới và thương mại quốc tế cũng đã thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu này./.