Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm mạnh

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào các lĩnh vực phi tài chính trong 10 tháng năm nay đã giảm tới gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các cơ quan chức năng nước này siết chặt các quy định ngăn chặn tình trạng đầu tư “phi lý tính” ra nước ngoài.

Thông tin từ MOC cho biết, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 86 tỷ USD vào 5.410 doanh nghiệp tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dự án ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, và công nghệ thông tin; đồng thời không xuất hiện thêm bất cứ dự án ODI mới nào trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao và giải trí. MOC khẳng định tình trạng đầu tư “phi lý tính” đã được ngặn chặn một cách hiệu quả trong thời gian qua.

Tập đoàn công nghiệp Siemens sẽ cắt giảm gần 7.000 việc làm

Ngày 16/11, Tập đoàn công nghiệp Siemens (Đức) thông báo sẽ cắt giảm khoảng 6.900 việc làm, tương đương gần 2% lực lượng lao động toàn cầu chủ yếu ở hai bộ phận điện và khí đốt vốn bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo thông báo, khoảng 6.100 việc làm trong số nói trên sẽ nằm trong kế hoạch cắt giảm trước năm 2020 tại hai ngành sản xuất mũi nhọn của Siemens là điện và năng lượng. Đây là những ngành đã từng cung cấp các turbin khí lớn phục vụ hoạt động phát điện song đến thời điểm hiện nay không còn cạnh tranh được với sự gia tăng của các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên toàn cầu.

Theo bà Lisa Davis, một thành viên trong ban điều hành Siemens, ngành công nghiệp phát điện của hãng đang gặp phải một số khó khăn do sức ép từ những ưu thế và tính năng vượt trội của các nguồn năng lượng tái tạo.

Siemens cũng cho biết bộ phận công nghiệp và động cơ, ngành sản xuất các động cơ kỹ thuật cơ khí phục vụ hoạt động khai thác dầu và khí đốt cũng sẽ bị ảnh hưởng trong kế hoạch cắt giảm việc làm lần này.

Kinh tế Nhật Bản ghi nhận chuỗi tăng trưởng dài nhất trong 16 năm

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 0,3% trong quý 3 năm nay - đánh dấu quý tăng trưởng thứ 7 liên tiếp trong chuỗi tăng trưởng dài nhất hơn 16 năm qua.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/11, trong quý vừa qua, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo năm của Nhật Bản đã đạt 1,4%, chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh, bù lại sự suy giảm 0,5% nhu cầu tiêu dùng cá nhân trong nước, vốn chiếm 60% GDP.

Một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của nền kinh tế thứ 3 thế giới là xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu linh kiện điện thoại thông minh và chip điện tử. Ngoài ra, đầu tư cho các dự án lớn liên quan tới các công trình phục vụ Đại hội Thể thao thế giới Olympic Tokyo 2020 cũng tăng mạnh.

Theo các nhà kinh tế, số liệu mới nhất phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cho thấy sự tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân trong quý 2 ở Nhật Bản chỉ là trong ngắn hạn. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản là khoảng 1%, vì vậy kết quả trong quý 3/2017 cho thấy tăng trưởng thực tế là khá cao.

Chính phủ Venezuela khởi động đàm phán nợ với các nhà đầu tư

Ngày 13/11, Chính phủ Venezuela thông báo đã khởi động thành công đàm phán tái cơ cấu nợ nước ngoài với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia.

Thông cáo của Chính phủ Venezuela ra cùng ngày nêu rõ, cuộc họp khởi động đàm phán nợ nước ngoài đã được tổ chức thành công và tích cực, với mục đích hoàn thành các cam kết.

Văn bản cho biết tham dự cuộc họp có các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Panama, Anh, Bồ Đào Nha, Colombia, Chile, Argentina, Nhật Bản, Đức cũng như Venezuela. Chính phủ Venezuela khẳng định việc tiến hành đối thoại tái cơ cấu nợ cho thấy quyết tâm hoàn thành mọi cam kết với các nhà đầu tư như nước này vẫn thường làm, đồng thời bày tỏ mong muốn tìm ra cơ chế nghiêm túc, minh bạch và cởi mở để giải quyết nợ trong bối cảnh những khó khăn do các lệnh bao vây cấm vận đối với Caracas.

Thông cáo nhấn mạnh các thế lực thù địch sẽ không thể thành công trong việc phá hoại Venezuela và bối cảnh tích cực của cuộc họp đầu tiên về tái cơ cấu nợ là dấu hiệu cho thấy nước Nam Mỹ sẽ tiếp tục thành công trên con đường xây dựng một nhà nước vì nhân dân./.