Theo kết quả nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu kinh tế Anh (CEP) đưa ra, các hộ gia đình Anh đang mất thêm trung bình gần 400 Bảng Anh/năm cho các khoản chi tiêu hàng ngày, phản ánh chất lượng cuộc sống của họ đang có xu hướng giảm sau cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi EU của quốc gia này.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, quyết định rời khỏi EU trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá tiền tệ, cũng như mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người Anh. Brexit khiến mỗi gia đình phải trả thêm 7,74 Bảng Anh/tuần cho các khoản chi tiêu do giá nhà ở và các sản phẩm tiêu dùng tăng nhanh.


Dịp lễ Giáng sinh và năm mới đang đến gần, tình hình mua sắm tại các cửa hàng tại Anh vẫn ảm đạm

Báo cáo của Holger Breinlich ở Đại học Nottingham, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy, bỏ phiếu trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi EU đã khiến lạm phát tăng mạnh. Vào thời điểm khó khăn, đây thực sự là thông tin không tích cực đối với người Anh”.

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế nước Anh không mấy khả quan khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng, đẩy giá nhập khẩu lên cao, thu nhập hộ gia đình giảm sút, trong khi lương tăng chậm so với mức tăng của giá tiêu dùng. Giá tiêu dùng tăng nên người lao động Anh đang phải thắt chặt hầu bao của mình. Ngay cả khi dịp lễ Giáng sinh và năm mới đang đến gần, tình hình mua sắm tại các cửa hàng tại Anh vẫn ảm đạm. Người tiêu dùng ít chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn. Đây là khó khăn cho các công ty bán hàng gia dụng.

Ngoài ra, họ còn phải chi trả nhiều hơn tiền thuê nhà và các khoản thanh toán thế chấp. Chi phí nhà ở trong tháng 10/2017 tăng 2,8%. Giá các loại đồ uống không có cồn tiếp tục tăng 4,1%, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Bàn về nguyên nhân lạm phát, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết, các yếu tố chính đẩy tỷ lệ lạm phát ở Anh lên cao là do dịch vụ giải trí, giá lương thực và chi phí vận tải tăng, cũng như đồng Bảng Anh suy yếu do cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái khi Anh muốn rời khỏi EU. Tỷ lệ lạm phát ở Anh nhìn chung cao hơn đa số các nước châu Âu khác. Ví dụ, tháng 10/2017, ở Đức và Ba Lan tỷ lệ lạm phát là 1,6%, lạm phát ở Pháp và Italia chỉ dừng lại ở con số 1%. Trong khi đó, theo ONS, chỉ số lạm phát ở Anh là 3%.

Lạm phát tăng ít có ảnh hưởng đối với các hộ gia đình ở London, song người dân ở Scotland, xứ Wales và đặc biệt là Bắc Ireland phải hứng chịu nặng nề nhất.

Nghiên cứu của CEP) cũng kết luận rằng, kết quả trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi EU là một cú sốc không lường trước với nền kinh tế Anh, làm thu hẹp quan hệ của Anh đối với EU về thương mại, đầu tư và vấn đề nhập cư.

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, Chuka Umunna, người ủng hộ chiến dịch chống Brexit, chia sẻ: “Các hộ gia đình ở Anh đang cảm thấy rất rõ tác động của Brexit. Giá trị đồng Bảng sụt giảm khiến giá hàng hoá tăng vọt. Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, doanh số bán xe giảm và các công ty đã bắt đầu chuyển trụ sở khỏi Anh”.

Các hãng sản xuất máy bay như Boeing, Airbus và Viện công nghệ hàng không vũ trụ Unite the Union cho biết ngành hàng không cũng đang phải đối mặt với lượng chi phí lớn do sự siết chặt kiểm tra hải quan.

Chủ tịch Uỷ ban Dân biểu Lao động Rachel Reeves nói: “Việc tăng cường kiểm tra hải quan có thể khiến chi phí tăng thêm 1,5 tỷ USD”. Cũng theo bà Rachel Reeves, thì điều này khiến ngành công nghiệp hàng không của Anh kém cạnh tranh hơn. Chi phí tăng thêm sẽ có tác động tiêu cực đến các quyết định đầu tư trong tương lai. Bà bày tỏ mong muốn lắng nghe nguyện vọng của đại diện các hãng hàng không đối với Chính phủ nhằm đề ra các giải pháp ổn thoả khi Anh rời khỏi EU./.

Nguồn tham khảo:

http://www.bbc.com/news/business-41982269
https://ria.ru/world/20171120/1509123990.html
https://www.bls.gov/news.release/pdf/cpi.pdf
http://www.irishnews.com/business/2017/11/20/news/households-are-404-a-year-worst-off-due-to-brexit-fears--1190676/