Mâu thuẫn lợi ích

Vào những năm 80 thế kỷ trước, Zimbabwe nổi lên như một ngôi sao trong phát triển kinh tế. Sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản và công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Zimbabwe cũng nổi tiếng về sản phẩm thuốc lá nhờ thời tiết thuận lợi cho việc trồng trọt và thu hoạch loại cây này quanh năm. Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Zimbabwe đạt 862,6 USD, cao hơn nhiều so với các quốc gia khu vực châu Phi như Mozambique với GDP bình quân đầu người là 189,6 USD, Madagasca là 265,7 USD, Tanzania là 172 USD.

Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế Zimbabwe chứng kiến sự tụt dốc không phanh do mâu thuẫn về chính trị, lợi ích giữa các phe phải ở nước này. Tổng thống Robert Mugabe đã nắm quyền tại Zimbabwe từ khi giành độc lập vào thập niên 1980. Với sự hậu thuẫn của quân đội và thủ đoạn chính trị, nhà cầm quyền này đã đương vị được hơn 30 năm.

Việc ông Mugabe nắm giữ chính quyền trong thời gian dài gây ra việc tranh giành quyền lực liên tục diễn ra giữa các phe phái. Hồi đầu tháng 11, ông Mugabe đã phế truất Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, một người có uy tín với quân đội Zimbabwe và được dự đoán là người sẽ nắm quyền thay thế ông Mugabe nay đã 93 tuổi. Trước sức ép đó, quân đội nước này đã đảo chính, quản thúc Tổng thống và chiếm đài phát thanh quốc gia ZBC ngày 15/11. Sau khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu tiến trình luận tội đối với ông, Tổng thống Robert Mugabe buộc phải từ chức vào ngày 21/11.


Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe

Kinh tế bước vào cảnh lầm than

Cũng cần phải nói thêm rằng, Chính phủ Zimbabwe đã có bước đi sai lầm trong quản lý ngành nông nghiệp. Đạo luật đất đai năm 1992 đã ép các chủ điền phải nộp lại đất để Chính phủ phân phối lại. Năm 1993, ông Mugabe đe doạ trục xuất những người chủ đất da trắng nếu họ phản đối đạo luật này.

Đến năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe đã khiến 4.000 chủ đất người da trắng phải nộp lại đất. Điều này khiến sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe ngay lập tức sụt giảm mạnh chóng mặt. Hai năm sau đó, mùa màng thất bát và hạn hán gây ra nạn đói tồi tệ nhất ở Zimbabwe trong vòng 60 năm.

Kể từ hạn hán hoành hành cuối năm 2015, hàng chục nghìn gia súc bị chết, hồ đập cạn nước và mùa màng thất bát. Gần 80% diện tích hoa màu bị bỏ hoang tại những vùng bị hạn hán nặng nề nhất. Từ một nước từng được biết đến là vựa lúa mì của châu Phi, giờ đây, Zimbabwe rơi vào tình trạng thiếu lương thực triền miên, buộc phải nhập ngũ cốc từ các nước láng giềng để đáp ứng nhu cầu và chờ vào viện trợ nhân đạo. Hiện có tới 26% trong tổng số hơn 16 triệu dân nước này đối mặt với nguy cơ bị đói.

Ngoài ra, chính sách kinh tế của quốc gia này không hiệu quả khi Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đẩy mạnh in tiền để nhập khẩu hàng hoá. Kết quả là lạm phát tăng vọt.

Ở thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, giá cả tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ. Năm 2008, lạm phát ở Zimbabwe đạt mức 7,9 tỷ phần trăm. Cũng trong năm đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, các dịch vụ công cộng tê liệt và nền kinh tế Zimbabwe suy giảm 18%. Năm 2009, Zimbabwe từ bỏ đồng tiền riêng, chuyển sang dùng đồng USD, đồng Rand Nam Phi và 7 đồng tiền khác. Hiện nay, tháng 10/2017, tỷ lệ lạm phát của nước này là 230 triệu phần trăm.

Ngân hàng Dự trữ quốc gia Zimbabwe ban hành đồng tiền mệnh giá lớn nhất thế giới 100 tỷ Đôla Zimbabwe song chỉ có giá gần 1,2 USD, đẩy nền kinh tế nước này vào khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí trên bờ vực sụp đổ.

Thêm nữa, để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Zimbabwe đã đe doạ tịch thu tất các khoản đầu tư của phương Tây vào nước này. Lời đe doạ này đã khiến các nhà đầu tư tiềm năng bỏ chạy.

Mặt khác, việc yêu cầu tất cả các mỏ khai thác kim cương ngừng hoạt động và giao nộp tài sản để quốc hữu hoá hoạt động khiến thị trường đầu tư Zimbabwe hỗn loạn. Các ngân hàng tháo chạy năm 2016 khiến nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngoại hối. Zimbabwe đã phải phát hành trái phiếu có giá trị tương đương với đồng USD nhằm giảm tình trạng thiếu tiền mặt.


Người dân biểu tình đòi tổng thống Mugabe từ chức

Kinh tế sẽ phục hồi nếu có Tổng thống mới

Theo đánh giá, việc từ chức của Tổng thống Mugabe sẽ mở ra con đường phát triển mới cho nền kinh tế Zimbabwe. Giám đốc ngân hàng đầu tư Exotix Limited, Stuart Culverhouse cho biết, việc ông Mugabe từ chức sẽ thay đổi hoàn toàn tình hình chính trị ở Zimbabwe, sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế quốc gia này trở nên tốt hơn.

Ông Culverhouse phát biểu trên CNBC rằng, sau khi Tổng thống Robert Mugabe ra đi, Zimbabwe có thể trên đà tăng trưởng mạnh. Đồng thời, ông cũng khẳng định, kinh tế Zimbabwe có tiềm năng phát triển sau hơn 2 thập niên chìm trong suy thoái.

Nhiều lãnh đạo và quan chức châu Âu cũng đã lên tiếng về diễn biến mới nhất trên chính trường Zimbabwe.

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, quyết định từ chức của Tổng thống Mugabe là cơ hội để quốc gia châu Phi này “mở ra một con đường mới” cho tương lai và tái thiết kinh tế với một chính phủ hợp pháp. Bà cũng nhấn mạnh, Anh là người bạn lâu năm nhất của Zimbabwe và sẽ làm tất cả để hỗ trợ quốc gia châu Phi này.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, việc ông Mugabe từ chức có thể là bước ngoặt để Zimbabwe tiến tới một tương lai đầy triển vọng.

Frederica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU kêu gọi quốc gia này sớm có một giải pháp “tôn trọng nguyện vọng của người dân Zimbabwe vì một tương lai dân chủ và thịnh vượng”.

Trong khi đó, Jean-Yves le Drian, ngoại trưởng Pháp cho biết, Paris hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mugabe, song nhấn mạnh việc Tổng thống từ chức phải mở đường cho một tiến trình chuyển giao chính trị hoà bình, “tôn trọng nguyện vọng hợp pháp của người dân Zimbabwe”.

Mỹ kêu gọi Zimbabwe tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như sự tôn trọng nguyên tắc luật pháp ở Zimbabwe. Trước đó, Washington gọi quyết định từ chức Tổng thống Mugaba là “thời khắc lịch sử”./.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.theguardian.com/money/2016/may/14/zimbabwe-trillion-dollar-note-hyerinflation-investment
2. http://money.cnn.com/2017/11/21/news/economy/zimbabwe-economy-history-robert-mugabe-resigns/index.html

3. http://www.independent.co.uk/news/uk/politics/robert-mugabe-zimbabwe-theresa-may-spokesperson-lost-support-party-people-zanu-pf-conservatives-a8064941.html