Đan Mạch không cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc đi qua

Ngày 30/11, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một dự luật có thể cho phép nước này cấm triển khai dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga qua lãnh thổ nước này.

Dự luật trên sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Đan Mạch cấm thực hiện các dự án đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này với lý do an ninh hoặc chính sách ngoại giao. Trước đây, vấn đề ngoại giao và an ninh không không phải là cơ sở hợp lý để các nhà quản lý Đan Mạch có thể ban hành lệnh cấm xây dựng các đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang các nước ở Trung và Bắc Âu thông qua biển Baltic mà không phải dùng đến tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine, Ba Lan và Belarus hiện nay. Dự án này đã được xin phép xây dựng tại Đan Mạch và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đang đánh giá đơn xin này.

Theo kế hoạch, dự luật trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng vẫn được áp dụng với những dự án đã được đệ trình trước đó. Dự kiến, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sẽ hoàn tất đánh giá vào đầu năm 2018 tới.

Kinh tế Eurozone tăng trưởng ấn tượng nhưng còn nhiều thách thức

Nghiên cứu chính thức công bố ngày 29/11 cho thấy nền kinh tế 19 quốc gia Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng tốc và có nhiều bứt phá.

Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực được công bố gần đây cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của Eurozone. Cụ thể, chỉ số niềm tin kinh tế (ESI) tăng từ 114,1 lên 114,6, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2000 trong khi chỉ số công nghiệp cũng tăng tới mức cao kỷ lục, cùng với đó chỉ số tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng cho thấy đà tăng trong năm 2017.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng của Eurozone năm nay sẽ đạt khoảng 2,2%. Thị trường lao động cũng được cải thiện với tốc độ mạnh mẽ hơn kể từ năm 2000.

OPEC nhất trí sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu "tụt dốc" thảm hại trong tương lai.

Thỏa thuận về nguyên tắc nói trên đã đạt được ngày 30/11 sau nhiều giờ thảo luận tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo).

Một phái đoàn tham dự cuộc họp này cho biết OPEC sẽ tiếp tục thảo luận liệu có nên chấp nhận mức sản lượng hiện nay của Libya hay không.

Nước này hiện đang được miễn áp dụng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình trạng rối ren trong nước.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì phản đối trao quy chế "kinh tế thị trường"

Ngày 1/12, Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ phản đối trao quy chế kinh tế thị trường cho Bắc Kinh trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), coi đây là hành động gợi nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các đối tác thương mại của Trung Quốc thực hiện điều mà Bắc Kinh nói là cam kết trao quy chế thị trường cho nền kinh tế do nhà nước chi phối của nước này, như một phần trong các điều khoản gia nhập WTO.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quy chế “kinh tế phi thị trường” không tồn tại trong các quy định của WTO.

Ông nhấn mạnh: “Hành động này chỉ gợi nhớ lại luật lệ nội địa của một số thành viên WTO trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”./.