Nhiều chuyển biến tích cực

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017 tình hình lao động việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, tăng 987,3 nghìn người, tương đương tăng 1,07% so với năm 2016. Trong đó, dân số thành thị là 32,9 triệu người (chiếm 35,1%); dân số nông thôn 60,8 triệu người (chiếm 64,9%); dân số nam 46,2 triệu người (chiếm 49,3%); dân số nữ 47,5 triệu người (chiếm 50,7%).

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các quốc trong khu vực

Ước tính, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước. Số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016.

Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3% (Năm 2016 là 41,9%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7% (Năm 2016 là 24,7%); khu vực dịch vụ chiếm 34,0% (Năm 2016 là 33,4%). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2017 khu vực thành thị chiếm 31,9% (Năm 2016 là 31,7%); khu vực nông thôn chiếm 68,1% (Năm 2016 là 68,3%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2017 ước tính đạt 21,5%, cao hơn mức 20,6% của năm trước.

Số người có việc làm trong quý I năm nay ước tính là 53,4 triệu người, tăng 74,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; quý II là 53,4 triệu người, tăng 164,3 nghìn người; quý III là 53,8 triệu người, tăng 496,9 nghìn người; quý IV là 54,1 triệu người, tăng 671,8 nghìn người.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24% (Năm 2016 là 2,30%; năm 2015 là 2,33%), trong đó khu vực thành thị là 3,18% (Năm 2016 là 3,23%; năm 2015 là 3,37%); khu vực nông thôn là 1,78% (Năm 2016 là 1,84%; năm 2015 là 1,82%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%, trong đó khu vực thành thị là 11,75%; khu vực nông thôn là 5,87%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%, thấp hơn mức 1,66% của năm 2016 và 1,89% của năm 2015, trong đó khu vực thành thị là 0,85% (Năm 2016 là 0,73%; năm 2015 là 0,84%); khu vực nông thôn là 2,07% (Năm 2016 là 2,12%; năm 2015 là 2,39%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp (bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình) năm 2017 ước tính là 57% (Năm 2016 là 57,2%; năm 2015 là 58,3%), trong đó khu vực thành thị là 48,5%; khu vực nông thôn là 64,4%.

Gia tăng chênh lệch

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Còn nếu tính theo giá hiện hành năm 2011-2017 thì năng suất lao động của Việt Nam lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.

Báo cáo chỉ ra, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; bằng 17,6% của Malaysia; bằng 36,5% của Thái Lan; bằng 42,3% của Indonesia; bằng 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Tổng cục Thống kê dẫn chứng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD (năm 2006) lên 131.333 USD (năm 2016); tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN, như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, vẫn còn một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua, như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính./.