Nhiều nước đều hoạt động cả sân bay cũ và mới

Trả lời các câu hỏi về việc chọn phương án nào cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 01/03, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay chúng ta phải đặt bối cảnh sân bay này trong quy hoạch phát triển chung của cả vùng và từ nay đến năm 2025 phải đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác, cũng như dự báo chung cho phát triển về hành khách, hàng hoá đến năm 2025. Tất cả những vấn đề này đã được làm rất rõ trong báo cáo tiền khả thi của cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Còn đối với sân bay Tân Sơn Nhất, phải đáp ứng nhu cầu trước mắt về vận tải cho đến năm 2025 khi chưa có sân bay Long Thành. Chúng ta vẫn phải duy trì trong tương lai mô hình này. Không phải chỉ riêng ở Việt Nam, mà Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giải thích nhiều lần, mô hình này giống như sân bay Haneda và Narita phục vụ cho khu vực Tokyo của Nhật Bản, hoặc như sân bay Don Muang và sân bay Suvarnabhumi của Bangkok, Thái Lan. Chính quyền Bangkok đã dự kiến đóng sân bay Don Muang nhưng sau 3 năm đã phải mở lại và công năng vẫn được khai thác. Ta phải xác định đến mức độ nào để hiệu quả đầu tư vừa trước mắt nhưng đến sau này vượt quá công suất thì ta dùng cả sân bay Long Thành. Phải cân đối chung cả 2 cảng hàng không.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay tất cả được nghiên cứu rất kỹ của cả tư vấn trong nước và nước ngoài ADPi (tư vấn của Pháp). Những nghiên cứu phản biện của TP. Hồ Chí Minh được tiếp thu cũng như yêu cầu tư vấn làm rõ từ dự báo hướng phát triển và cuối cùng phải kết luận quy hoạch trước kia lập có phù hợp không. Trong bối cảnh tương quan 2 sân bay, lộ trình đầu tư… thì hiệu quả cuối cùng của đồng tiền đầu tư như thế nào để phục vụ trước mắt và lâu dài.

Việc có mở rộng thêm 1 đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất hay không cũng đã được nghiên cứu và trả lời rất nhiều trong báo cáo tiền khả thi của cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như trong quy hoạch. Tư vấn ADPi cũng đánh giá rất khách quan. Họ đề nghị không xây thêm đường băng thứ ba mà tận dụng 2 đường băng hiện hữu nhưng làm thêm đường lăn và làm thêm các công năng khác như nhà ga, phát triển kết nối giao thông thuận lợi cũng như phát triển ga hàng hoá, khu dịch vụ cho hàng không, các trạm sửa chữa máy bay ở phía bắc. Tức là ta vẫn tận dụng lấy đất ở phía Bắc để phát triển vận tải hàng hoá thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tư vấn nước ngoài sẽ tiếp tục cập nhật, tiếp thu, có ý kiến phản biện thì phải làm rõ thêm, có những ý kiến phải tiếp thu để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có kiến nghị rất rõ về quan điểm và kiến nghị lựa chọn.

BOT Cai Lậy có phương án giảm 100% mức phí

Cũng tại buổi họp báo, vấn đề BOT Cai Lậy sẽ xử lý như thế nào cũng nhận được nhiều câu hỏi. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ từ ngày 17/01/2018 với 4 phương án khác nhau, mỗi phương án lại có những ưu điểm, hạn chế riêng, trong đó sẽ có điều chỉnh về thời gian thu phí khác nhau.

Ví dụ, nếu dừng thu phí tại trạm này thì phương án dùng nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian bao lâu, như vậy phải đàm phán với nhà đầu tư. Phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian có bảo đảm.

Hoặc phương án đặt cả 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 để hoàn phần đầu tư trên Quốc lộ 1 và trạm đặt trên tuyến tránh để hoàn phần đầu tư trên tuyến tránh… thì cũng phải tính khác, Thứ trưởng Đông phân tích.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, tất cả những phương án nói trên đã có chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ đang tiếp tục nghiên cứu quyết liệt và sẽ báo cáo rất sớm về những phương án tiếp theo. Trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30-100% đối với một số xã lân cận, sẽ được tính toán cụ thể để báo cáo lên Chính phủ./.