Sáng nay (13/03), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc sửa Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 05 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những hạn chế này đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục đại học.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc sửa Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học; đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, tính thực tiễn, khả thi, tính kế thừa và phát triển. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có bố cục gồm 03 điều. Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề về nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, mở rộng phạm vi điều chỉnh”.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Giáo dục đại học năm 2012, dự thảo luật đề xuất mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, giải quyết những đòi hỏi cấp bách trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển...

Theo đó, về bố cục, dự thảo luật bao gồm 3 điều, cụ thể: Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 gồm 39 Điều, khoản và đề xuất bổ sung 2 điều trong dự thảo. Điều 2 - Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại 5 điều, khoản của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 để phù hợp với Luật Quy hoạch, với tên gọi thống nhất là các điều ước quốc tế; phù hợp với các quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ và Điều 3 - Hiệu lực thi hành.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Về nội dung xây dựng thương hiệu, xếp hạng Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, nội dung này cần xem xét lại vì thứ bậc phải trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của xã hội.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì, theo chức năng, sứ mệnh hiện nay đang phân thành 3 loại trường Đại học, đó là nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, việc đánh giá thứ hạng các loại trường này, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nên cân nhắc theo nhu cầu thực tế của đất nước. Ông Phan Thanh Bình cho rằng, không nên nói rằng nghiên cứu là đứng đầu, còn trường ứng dụng thì thấp hơn nghiên cứu, trường thực hành đứng phía dưới nữa…

Liên quan đến quy định về nội dung tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, các ý kiến đều thống nhất đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, đi đôi với mở rộng tự chủ là vấn đề làm rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Dự thảo cần quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được tự chủ; đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, thông qua chế độ thông tin, báo cáo, kiểm toán tài chính, công khai kết quả hoạt động thường niên và chịu trách nhiệm trước pháp luật; cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Cũng tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tổng kết, đánh giá tác động sâu sắc hơn những vấn đề sửa đổi; hướng mạnh phát triển giáo dục đại học theo hướng đa ngành, đa mục tiêu và giáo dục đại học phải là nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học, vấn đề không phải là số lượng đề tài, mà vấn đề chất lượng đề tài, là tính ứng dụng của đề tài nghiên cứu, là thương hiệu, uy tín và vị thế của trường trong hoạt hoạt động đào tạo, nghiên cứu hoa học.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần quan tâm xem xét, giải thích rõ các khái niệm, từ ngữ trong luật, nhất là những khái niệm tên gọi của các cơ sở giáo dục ở cấp đào tạo đại học./.