Đây là thông tin công bố tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 3/2018 được tổ chức vào chiều 27/03/2018 tại Hà Nội.

Thu 68.718 tỷ đồng trong quý I/2018

Cụ thể, trong tháng 3/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,68 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,8 triệu người; bảo hiểm y tế là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thu được 68.718 tỷ đồng

Về số thu, trong tháng 3, toàn ngành bảo hiểm xã hội thu đạt 30.779 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn hgành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó thu bảo hiểm xã hội là 48.209 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp là 3.245 tỷ đồng; thu bảo hiểm y tế là 17.264 tỷ đồng.

Lũy kế đến hết tháng 03/2018, số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành là 68.279 tỷ đồng. Trong đó, chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách là 11.073 tỷ đồng, chi bảo hiểm xã hội từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 34.472 tỷ đồng, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.732 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 21.002 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, tính đến ngày 21/03/2018, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế cũng đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán 16.462 tỷ đồng, tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2017; chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 18,69%.

Còn 12.960 tỷ đồng tiền nợ các loại bảo hiểm

Cũng tại hội nghị, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết thêm, tính đến hết quý I/2018, tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm là 12.960 tỷ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội là hơn 10.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế hơn 2.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 960 tỷ đồng. Trong khi tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ các loại bảo hiểm chỉ là 5.737 tỷ đồng.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra… việc đóng bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp khi nhận được quyết định thanh tra đã trả nợ ngay.

Liên quan đến việc chủ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn về nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin: trong quý I/2018, một số doanh nghiệp nước ngoài xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã chốt sổ, giải quyết chế độ bảo hiểm cho những người lao động này. Theo sô liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính hết năm 2017, đã có hơn 100 doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, mất tích, gây khó khăn cho hàng nghìn người lao động thuộc các doanh nghiệp này. Việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Thắng cũng cho biết, do sự đầu tư về vốn liếng của các doanh nghiệp FDI không lớn, nên khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, việc thanh lý tài sản chưa trả đủ vốn vay các ngân hàng, còn khoản nợ bảo hiểm không giải quyết được. Trong các đơn vị được ưu tiên trong giải quyết nợ, thì nợ bảo hiểm thuộc diện không được ưu tiên.

Trước thực trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác./.