1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm

Theo báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được WB công bố chiều nay (5/4), tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Trong đó, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao đã giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo khoảng 4% trong giai đoạn năm 2014-2016, xuống còn 9,8% vào năm 2016.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, các quyết định sử dụng đất và loại cây trồng chưa tối ưu mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch trong thu nhập từ nông nghiệp giữa những hộ gia đình nghèo và không nghèo chứ không phải do địa hình của khu vực.

Dẫn chứng rằng, với một diện tích đất tương tự nhau ở cả khu vực đất thấp lẫn khu vực đất cao, những hộ nghèo thường sử dụng ít đất cho những cây trồng công nghiệp có lợi nhuận như cà phê, hạt tiêu đen hay cao su… mà thường dành nhiều đất cho những cây trồng ít lợi nhuận hơn như lúa hay ngô, Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Điều này có thể do khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiểu biết về tài chính và khả năng vay vốn kém, và kỹ thuật canh tác thấp”.

Ông Obert Pimhidzai, Chuyên gia kinh tế cao cấp Nhóm toàn cầu về nghèo và công bằng thuộc Ngân hàng Thế giới, cho biết, cùng với việc một bộ phận người dân thoát khỏi nhóm nghèo thì tầng lớp an toàn về kinh tế với quy mô khá lớn đã nổi lên và đang mở rộng.

Cụ thể, khoảng 70% dân số Việt Nam hiện có thể xếp vào nhóm an toàn về kinh tế, trong đó 13% được xếp vào nhóm trung lưu toàn cầu. Nhóm thu nhập này đang tăng nhanh, tăng trên 20 điểm phần trăm từ 2010 đến 2017. Trung bình 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2014.

“Điều này chứng minh rằng, các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo”, Ngân hàng Thế giới nhận định và khuyến nghị, trọng tâm của Chương trình giảm nghèo và thịnh vượng chung phải được thay đổi, chuyển từ xoá nghèo cùng cực sang nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ mở rộng tầng lớp trung lưu.

Mặc dù tình hình được cải thiện ở cả hai nhóm tầng lớp dân cư song tốc độ xoá bỏ bất bình đẳng giữa các nhóm vẫn chưa đủ nhanh. Gần 45% người dân tộc vẫn sống trong cảnh nghèo. Do đó, mặc dù chỉ chiếm 15% dân số cả nước, nhưng chiếm tới 73% tổng số hộ nghèo trong năm 2016.

Ba khuyến nghị để không ai bị bỏ lại phía sau

Mặc dù những con số trong giảm nghèo của Việt Nam là tích cực, song theo ông Ousman Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “không thể bỏ qua khát vọng của những người có ít cơ hội”. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số để gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Ông Ousman Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ngân hàng Thế giới nhận thấy, 50% đóng góp của giảm nghèo là từ tăng tiền lương (cho dù mức hưởng lợi từ tăng lương tới khu vực người dân tộc thiểu số là ít hơn so với ở khu vực thành thị), nên những thay đổi quan trọng trong tiền lương đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ sẽ có nhiều ý nghĩa với Việt Nam. Cụ thể, 1,4 triệu việc làm mới được bổ sung trong ngành chế tạo giai đoạn 2014-2016 trong khi khoảng 700.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành khách sạn, bán lẻ và xây dựng.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì tạo công ăn việc làm và tăng tiền lương, mà không mất đi tính cạnh tranh. Để làm được điều này, cần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hoạt động sản xuất, dịch vụ có giá trị cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa các tập đoàn quốc tế với các doanh nghiệp địa phương; đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu cao của lĩnh vực xuất khẩu đang phát triển nhanh và tạo môi trường cho Việt Nam tiến cao hơn trong chuỗi giá trị.

Bổ sung thêm, chuyên gia Obert cho rằng Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi cách sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất và cải thiện kỹ năng cho nông dân nghèo.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện cải cách giáo dục nhằm cân bằng cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động. Việc tăng lương trong khu vực tư nhân trong điều kiện dư thừa lao động cho thấy, các doanh nghiệp đang cạnh tranh để có những lao động có năng lực với nguồn cung giới hạn./