Giải ngân đã đạt 91,3% kế hoạch

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Năm nay là khóa đầu tiên làm đầu tư công theo trung hạn, nên việc giao vốn, giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công là rất quan trọng”.

Phó Thủ tướng cho biết, việc ban hành Luật Đầu tư công có nhiều quy định chặt chẽ đã giúp siết chặt đầu tư công, khắc phục tính dàn trải, manh mún, kém hiệu quả... Trong 2 năm qua, việc triển khai vốn đầu tư công đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, trong đó quy định trích 10% dự phòng chung theo từng nguồn vốn, tổng số vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 được phép phân bổ tối đa là 1.800.000 tỷ đồng.

"Đến nay tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã triển khai phân bổ và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đạt 1.642.828,563 tỷ đồng, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm dự phòng chung 200.000 tỷ đồng)", Thứ trưởng Lê Quang Mạnh báo cáo.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước về đầu tư công; đổi mới căn bản trong việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương; đối với các dự án mới, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các dự án lớn quan trọng, có tính lan tỏa…

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: khả năng mất cân đối ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên tỷ trọng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước còn lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn nhiều giai đoạn trước.

Đặc biệt, vẫn còn nhiều dự án, chủ yếu của các địa phương, chưa được bố trí đầy đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng các địa phương vẫn chưa tiến hành rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung nguồn vốn khác…

3 trở ngại đối với giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra 3 vấn đề có liên quan lẫn nhau, gây cản trở đối với giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ nhất là vướng mắc các quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định của Chính phủ về triển khai Luật Đầu tư công (Nghị định 77/2015/NĐ-CP, Nghị định 136/2015/NĐ-CP…).

“Phân định rõ ràng các vướng mắc thuộc Luật, thuộc nghị định để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi theo thẩm quyền”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị trước khi Quốc hội họp vào tháng 5/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ liên quan rà soát các bất cập của chính sách về đầu tư công.

Thứ hai, Phó Thủ tướng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm gặp khó ở ngay khâu tổ chức thực hiện chậm trễ giữa các đơn vị trực thuộc bộ và giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương khác.

Thứ ba là việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới tư duy quản lý chưa được Bộ quan tâm thực hiện và đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo, phân nhiệm cho chức danh cụ thể phụ trách tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

“Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Đây là một thách thức và cần phải đánh giá những nguyên nhân của việc giải ngân chậm trễ và tìm ra giải pháp khắc phục”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý khâu tổ chức thực hiện, phối hợp với các bộ khác cần phải đẩy nhanh hơn.

Phó Thủ tướng sẽ đích thân đi kiểm tra về đầu tư công ở một số địa phương

Để sửa đổi pháp luật về đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đúng mặt tích cực, các bất hợp lý của Luật hiện hành và sau 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn để đề xuất điều chỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức thị sát các dự án đầu tư công nổi cộm về tiến độ giải ngân tại các địa phương trọng điểm ,để ghi nhận rõ các khó khăn, làm căn cứ để sửa đổi Luật, nghị định. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ đích thân đi kiểm tra về đầu tư công ở một số địa phương, bộ ngành sử dụng nhiều vốn đầu tư công, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... và các bộ, như: Giao thông Vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường...

Đặc biệt, “Phải chỉ ra một số việc, các công trình chậm giải ngân để kiểm tra, phát hiện các vấn đề nhằm sửa đổi Luật Đầu tư công tốt nhất”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Với đầu tư công ở địa phương và trung ương, Phó Thủ tướng lưu ý cần phải đánh giá lại để bổ sung vốn cho các công trình, dự án cấp bách do trung ương quản lý. Bởi hiện nay, đầu tư công địa phương đã vượt thu ngân sách.

“Tôi sẽ báo cáo Thủ tướng việc này sớm để điều chỉnh cả phần đầu tư công của trung ương và địa phương”, Phó Thủ tướng cho hay.

Từ thực tiễn nhiều địa phương vượt thu ngân sách được bố trí vốn đầu tư công cao hơn quy định, ngân sách trung ương được bổ sung lượng lớn tiền thu từ bán vốn và các điều kiện thu hút ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng thu - chi, nghiên cứu điều chỉnh gói đầu tư công trung hạn lên trên mức 2.000.000 tỷ đồng, tập trung cho các công trình trọng điểm, có tính lan toả về kinh tế, xã hội, trên cơ sở bảo đảm chỉ tiêu về bội chi ngân sách, nợ công tới năm 2020 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Với những trăn trở của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vì chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện đầu tư công trung hạn theo các quy định của Luật Đầu tư công, nên phát sinh một số vướng mắc. Bộ trưởng Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới./.