Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ như vậy tại “Tọa đàm chia sẻ tri thức về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều ngày 16/04/2018.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, từ cuối năm 2016, cụm từ “Cách mạng Công nghiệp 4.0” đã được nói đến rất nhiều ở khắp các phương tiện truyền thông.

“Đây thực sự là xu thế tất yếu của khoa học, công nghệ và góp phần thay đổi cách thức của ngành sản xuất”, Thứ trưởng Dương nói.

Cụ thể, theo đánh giá của ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều tác động đến Việt Nam. Trước hết, điều này sẽ giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực, như: du lịch, y tế.

Trình bày tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ điện tử - Văn phòng Chính phủ cho biết, một trong những tác động lớn của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là vấn đề việc làm, dư thừa lao động. Ông Trung phân tích, các công việc vào năm 2030 sẽ rất khác các công việc hiện nay, trong đó hầu hết các công việc lặp đi lặp lại sẽ được thay thế. Các công việc mới sẽ đòi hỏi kỹ năng mới về dữ liệu, phân tích, tư vấn. PricewaterhouseCoopers dự đoán rằng robot/trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế 38% công việc của người Mỹ vào năm 2030.

Tại Việt Nam đang có nhiều đánh giá của các tổ chức khác nhau về vấn đề tỷ lệ việc làm bị ảnh hưởng. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công nghệ tự động hóa có thể thay thế tới 47% việc làm, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo chỉ khoảng 9% việc làm được thay thế bởi công nghệ mới, hay Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo tỷ lệ này lên đến 86% đối với ngành dệt may ở Việt Nam.

Tuy các số liệu đưa ra khác nhau, nhưng tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến vấn đề lao động, việc làm là chắc chắn có và như cách nói của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, lợi thế lao động giá rẻ, “cần cù bù thông minh” của Việt Nam sẽ không còn.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, xu thế công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội cho phát triển.

“Thách thức là đương nhiên, nhưng cơ hội nhiều hơn, bởi đây là cơ hội để chúng ta bứt phá, rút ngắn khoảng cách, đi nhanh cùng các nước phát triển”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là xu thế tất yếu đòi hỏi của cuộc sống và cũng thẳng thắn chỉ rõ, “thực tế chúng ta đang đi chậm hơn so với các nước khác trong việc tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Tọa đàm

“Sự cần thiết và vai trò quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp thì ai cũng hiểu, nhưng lại chưa biết phải bắt đầu từ đâu, cụ thể như: ngành công nghiệp phải làm gì, ngành nông nghiệp phải làm gì, ngành du lịch làm gì?”, Bộ trưởng nói.

Trên thực tế, chúng ta chưa ban hành được những vấn đề cụ thể, mà chúng ta mới chỉ thực hiện được những vấn đề ở tầng nấc trên, như: xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực...

Cần tiếp cận CMCN 4.0 theo hướng bài bản, toàn diện, sâu rộng

Vì vậy, theo ông Đàm Bạch Dương, Cách mạng Công nghiệp 4.0 xảy ra cả bên cung (khoa học và công nghệ) và bên cầu (mô hình kinh doanh, đầu tư, thị trường). Do đó, cần chú trọng nâng cao năng lực môi trường kinh doanh, song song với đổi mới công nghệ là điều quan trọng.

Và để cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Chỉ thị số số 16/CT-TTg, ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, theo ông Đàm Bạch Dương, cần hướng tới 7 nhóm giải pháp chiến lược, đó là: 1- Tạo sự bứt phá thực sự về công nghệ thông tin – truyền thông; 2- Thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; 3- Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh; 4- Xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp xu thế phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên nền tảng các chiến lược, chương trình hành động đã có; lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; 5- Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; 6- Thay đổi mạnh mẽ, cân bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề; 7- Nâng cao nhận thức chung toàn xã hội về Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Thế Trung cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 chú trọng tới phát triển hệ sinh thái sáng tạo thông qua việc lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo làm trung tâm và tăng cường các hoạt động PPP; hỗ trợ các địa phương tiếp cận CMCN 4.0 theo Chỉ thị số 16; đi đầu trong chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chúng ta đang tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, cần phải gắn quá trình này với với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, vì mục đích của cuộc Cách mạng này chính là giúp tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh.

Bộ trưởng Dũng cũng nhìn nhận, nếu chúng ta nhận thức coi đây là cơ hội cho đất nước, rút ngắn khoảng cách bứt phá, thì cần phải tiếp cận cuộc Cách mạng này một cách bài bản, toàn diện, sâu rộng. Phải nghiên cứu thật kỹ, toàn diện, để đánh giá cho hết được những cơ hội, để tận dụng được mọi cơ hội dù là nhỏ nhất và đồng thời, nhận diện cả những mặt trái và thách thức.

Vì vậy, cần phải xây dựng một chiến lược phù hợp, theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng chiến lược quốc gia về tái cơ cấu kinh tế gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo đó, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nghiên cứu về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ theo định hướng Nhà nước phải làm gì, phải dẫn dắt nền kinh tế như thế nào trước cuộc Cách mạng này.

Trong thời gian tới, các đơn vị trong Bộ cũng sẽ chủ động nghiên cứu dưới góc độ chuyên môn của từng đơn vị. “Nhóm nghiên cứu của Bộ sẽ xây dựng một đề cương nghiên cứu chung để sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Chính trị giao, thì sẽ có một chiến lược, để bắt tay vào làm ngay”, Bộ trưởng nói./.