Theo cơ quan thống kê quốc gia, dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,66 triệu người, bao gồm dân số thành thị 33,63 triệu người, chiếm 35,5%; dân số nông thôn 61,03 triệu người, chiếm 64,5%; dân số nam 46,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,91 triệu người, chiếm 50,6%.

Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/7/2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 594 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017, bao gồm lao động nam 28,8 triệu người, chiếm 52,2%; lao động nữ 26,3 triệu người, chiếm 47,8%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,4 triệu người

Cũng tính đến thời điểm trên, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,4 triệu người, tăng 539,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó, lao động nam 26,4 triệu người, chiếm 54,5%; lao động nữ 22 triệu người, chiếm 45,5%; lao động khu vực thành thị là 16,2 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, chiếm 66,5%.

Bên cạnh đó, “số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 6 tháng đầu năm nay ước tính 54 triệu người, bao gồm 20,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,5% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,7%; khu vực dịch vụ 18,8 triệu người, chiếm 34,8%”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý II/2018 ước tính tương đương quý I/2018 là 2,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 ước tính là 2,2%, trong đó, khu vực thành thị là 3,12%; khu vực nông thôn là 1,74%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng năm 2018 ước tính là 7,1%, trong đó, khu vực thành thị là 10,73%; khu vực nông thôn là 5,71%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II/2018 ước tính là 1,50%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay ước tính là 1,51%, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,95% (tỷ lệ thiếu việc làm của 6 tháng đầu năm 2017 tương ứng là 1,73%; 0,85%; 2,15%).

Trước đó, "Bản tin thị trường lao động Việt Nam - Số 16, Quý 4 năm 2017” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố vào ngày 15/03/2018 cho thấy, Quý 4/2017, cả nước có 1.071,2 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 3,6 nghìn người so với Quý 3. Tuy nhiên, cả nước vẫn có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, giảm 21,7 nghìn người so với quý 3.

Vì vậy, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các sinh viên sắp tốt nghiệp cần nắm chắc thông tin về thị trường lao động, xem xét xu hướng tuyển dụng hiện nay. Đồng thời, cần tập trung củng cố kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần, bởi các sinh viên mới chủ yếu được trang bị kỹ năng về lý thuyết. Cơ quan này cũng dự báo, các ngành chế biến - chế tạo, ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, phần mềm… vẫn khát lao động. Nếu các tân sinh viên có trang bị tốt những kỹ năng như ngoại ngữ, kỹ năng mềm…, rất có thể sẽ được nhận vào làm việc. Thông thường, các kỹ năng mà lao động Việt Nam yếu là ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, khả năng và tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc độc lập…

Bên cạnh đó, để giải quyết việc làm có hiệu quả cao, việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là rất quan trọng. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục điều chỉnh mô hình đào tạo giữa các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp; một mặt, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề./.