Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, cả nước có 879.705 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó, 810.382 thí sinh thi hệ giáo dục THPT và 69.323 thí sinh thi hệ giáo dục thường xuyên.

Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%; trong đó, giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các địa phương; đồng thời phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay đạt 97,57%

Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT cao hơn hẳn học sinh giáo dục thường xuyên; các tỉnh có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh ở vùng còn khó khăn.

Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao trên 99% đều là những tỉnh có truyền thống dạy tốt, học tốt, như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh; các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng có số lượng dự thi cao đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%.

Ở một số địa phương có điều kiện dạy và học còn khó khăn, như: Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi tỷ lệ đạt trên 92%; Hà Giang tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89,35%.

Đặc biệt, khối giáo dục thường xuyên ở một số tỉnh khó khăn thì tỷ lệ tốt nghiệp thấp, như: Gia Lai 49,85%, Kon Tum 50,54%.

Nhìn chung, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 về cơ bản được nhận định là cao và không có thay đổi bất ngờ so với các năm gần đây. Bởi, hình thức và công thức xét tốt nghiệp kể từ năm 2015 đến nay được đánh giá là khá có lợi cho thí sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công thức xét tốt nghiệp là: tổng điểm (4 bài thi + tổng điểm khuyến khích chia 4 + điểm trung bình cả năm lớp 12) chia 2 + điểm ưu tiên.

Trong công thức trên, điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích). Với yếu tố này, điểm xét tốt nghiệp THPT của thí sinh được đánh giá là có lợi hơn.

Điển hình như: năm 2017, điểm trung bình lớp 12 của học sinh cả nước là 6,87, nghĩa là trên lý thuyết, điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2017 chỉ cần 3,13 điểm là đủ để tốt nghiệp (và không có môn thi nào bị điểm liệt). Với kết quả điểm thi các bài thi THPT quốc gia 2017, nếu công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có thành phần điểm trung bình năm lớp 12, thì tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%, nhưng trên thực tế, tỷ lệ tốt nghiệp cả nước năm 2017 là 97,5%.

Ngoài ra, việc chuyển dần sang hình thức thi trắc nghiệm của đa số các môn thi được đánh giá là có lợi cho thí sinh so với hình thức thi hoàn toàn là tự luận trước đây và điểm liệt các môn được nâng lên là 1 điểm thay vì 0 điểm.

Trên thực tế, khi các môn thi được chuyển qua hình thức trắc nghiệm, số lượng bài thi bị điểm liệt đã giảm rất nhanh. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016 chỉ có 4 môn thi trắc nghiệm trong tổng số 8 môn thi có đến 37.000 bài (2015) và 19.000 bài (2016) bị điểm liệt. Năm 2017, khi có đến 8 môn thi trắc nghiệm trong 9 môn thi, số bài thi bị điểm liệt giảm mạnh chỉ còn 6.769 bài. Năm 2018, có đến 8 môn thi trắc nghiệm trong 9 môn thi, số bài thi bị điểm liệt là 8.663 bài./.