Cầu Đuống có khoang thông thuyền hẹp, thấp gây cản trở vận tải thủy

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Giao thông Vận tải đường sông Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt năm 2000, đã được điều chỉnh, bổ sung một số lần. Quy hoạch hiện hành được thực hiện theo từng luồng tuyến, cảng bến và được phân theo từng khu vực. Theo đó, cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7.257 cảng/bến.

Tuy nhiên, việc quy hoạch hiện không theo các hành lang vận tải hàng hóa, dẫn đến tình trạng thiếu liên kết giữa các phương thức vận tải; nhiều quy hoạch song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành do nhiều địa phương chưa lập quy hoạch chi tiết; khó khăn trong công tác quản lý thực hiện và huy động vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư tư nhân để hiện đại hoá hệ thống cảng bến, vận tải container và logistics. Bên cạnh đó, quy hoạch hiện tại cũng dẫn đến tình trạng thiếu gắn kết giữa các ngành giao thông thủy và thủy lợi, vận chuyển hành khách và du lịch.

“Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thủy gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thủy gồm các tuyến đường thủy nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thủy nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Hà Nội – Nam Định. Đồng thời, sẽ quy hoạch 1 hành lang vận tải thủy phục vụ vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận và các tuyến kết nối chính.

Đối với khu vực miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau; TP. Hồ Chí Minh – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TP. Hồ Chí Minh – Kiên Giang.

Với các quy hoạch này, các hành lang vận tải được quy hoạch bảo đảm mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đáp ứng thông qua tổng sản lượng vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa đạt khoảng từ 334,2 triệu tấn/năm đến 392,2 triệu tấn/năm với khối lượng luân chuyển đạt khoảng từ 67,6 triệu tấn.km đến 74,5 triệu tấn.km. Tổng sản lượng vận tải hành khách đường thuỷ nội địa đạt từ 204,4 triệu người/năm đến 280,3 triệu người/năm.

“Đến năm 2030 và sau 2030, năng lực vận tải hàng hóa, hành khách của đường thuỷ nội địa sẽ tăng khoảng từ 1,5 đến 2 lần”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thủy nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thủy nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

“Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Việt Trì – Lào Cai; cầu Đuống; tuyến vận tải Sông Gianh; triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam gồm: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp cầu Nàng Hai, Măng Thít, Đồng Nai và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bình Lợi”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải trong việc chủ động điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 theo đúng yêu cầu của pháp luật về quy hoạch; bám sát thực tiễn cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho giao thông đường thuỷ hiện nay.

“Việt Nam là một quốc gia có nhiều sông lớn, đường bờ biển dài, giao thông thủy nội địa có vai trò rất lớn trong việc vận chuyển người, hàng hoá với chi phí hợp lý. Đặc biệt, nếu phát triển giao thông thủy nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong thời gian qua, giao thông thuỷ nội địa chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến giao thông thủy chậm được nạo vét, tu bổ, thiếu kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là đường bộ, đường sắt. Kết cấu hạ tầng cảng, bến… chưa được đầu tư tương xứng với năng lực và nhu cầu vận tải. Đáng chú ý, trên nhiều tuyến chủ lực vẫn bị một số cầu với khẩu độ thông thuyền thấp cản trở giao thông của các phương tiện thuỷ nội địa, điển hình như cầu Đuống, cầu Nàng Hai, Măng Thít, Đồng Nai, Bình Lợi…

“Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch để phê duyệt theo đúng quy định. Trong đó, cần làm rõ các số liệu về nhu cầu, năng lực vận tải, nhu cầu vốn đầu tư; đánh giá kỹ hiệu quả của các giải pháp nhằm tăng cường khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác; giải pháp huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển giao thông thuỷ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo chi tiết về một số “điểm nghẽn” trên các tuyến vận tải thuỷ nội địa, trong đó chỉ rõ hạn chế, tác động và giải pháp khắc phục; lợi ích và nhu cầu đầu tư để từ đó có kế hoạch ưu tiên tháo gỡ.

Trước đó, ngày 05/04/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cục, đơn vị tham mưu khẩn trương đánh giá, đề xuất cải tạo nâng tĩnh không một số cầu vượt sông trên tuyến đường thủy trọng điểm để xóa bỏ cản trở, giải phóng sức vận tải trên các tuyến, khu vực. Trong đó, ưu tiên đầu tư cải tạo các cầu Đuống, Đồng Nai; nâng cấp kênh Chợ Gạo, thúc đẩy tiến độ cải tạo cầu Bình Lợi.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải đổi mới tư duy để phát triển vận tải thủy, ven biển, đường sắt và không thể quá khắt khe trong việc xem xét đầu tư tháo gỡ các điểm nghẽn đường thủy./.