Đó là chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong buổi tọa đàm với chủ đề “Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội - Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 03/08/2018.

Các diễn giả thảo luận tại buổi Tọa đàm "Cải cách chính sách BHXH- Hướng tới BHXH toàn dân"

Cơ hội đi liền thách thức

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, việc Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/05/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền nói chung và bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng trong việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật hướng tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

“Nghị quyết số 28 đã mở ra thời kỳ mới để mọi người đều được tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước đã đề ra mô hình bảo hiểm xã hội mới, từ đơn tầng sang đa tầng. Đây chính là sự linh hoạt, kết nối giữa các loại hình bảo hiểm xã hội”, ông Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc cải cách cũng tạo ra cơ hội để các ngành, các cấp thực hiện tốt hơn công việc của mình.

Phân tích thêm, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, đây là cơ hội tốt nhất với người dân, bởi Nghị quyết 28 thể hiện tính ưu việt, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là hướng tới an sinh cho người dân khi về già. Đó là những quan điểm hết sức đúng đắn, khi chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết này, thì chắc chắn quyền lợi của người dân sẽ tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thì cũng có nhiều thách thức đặt ra. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhưng hiện nay mới bao phủ được 29% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Việc thực hiện chính sách đảm bảo lương hưu và các chính sách đều rất tốt, nhưng xu hướng người dân tham gia bảo hiểm xã hội không nhanh, tốc độ lại chậm. Đây chính là thách thức cho hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh cho hay, lần đầu tiên Trung ương ban hành Nghị quyết có nội hàm là cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tất nhiên, một cải cách sâu rộng sẽ tạo ra nhiều thách thức. Đặc biệt, với những cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chính sách. Việc thực hiện Nghị quyết 28, khối lượng công việc của ngành bảo hiểm xã hội sẽ lớn hơn, đòi hỏi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn và quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân phải thuận lợi hơn.

Mặt khác, để làm chuyển biến nhận thức của người dân, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, Nghị quyết 28 đã nhấn mạnh đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp. Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định, hàng năm hội đồng nhân dân các cấp phải ghi chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm trong chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều địa phương không giao chỉ tiêu này, không đôn đốc, thậm chí chính quyền địa phương không vào cuộc, nếu chỉ có một mình ngành bảo hiểm xã hội, thì không thể làm chuyển biến nhận thức của người dân được.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 28, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được mở rộng với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Đây là vấn đề đang gây khó khăn. Bởi, theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì nhóm này không phải khu vực chính thức quản lý nên nắm bắt được rất là khó.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Lợi cho biết, Nghị quyết số 28 cũng bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng, đó chính là 37 triệu lao động ở khu vực phi chính thức. Trong tư tưởng của những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì nhiều người cho rằng, chi phí quản lý bảo hiểm là “ăn trong tiền đóng bảo hiểm xã hội”. Đó là nhận thức sai, vì toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người dân được tập trung thống nhất quản lý và tiền đó được đầu tư tăng trưởng.

“Bảo hiểm xã hội chỉ được trích một tỷ lệ rất nhỏ để chi phí quản lý bộ máy”, ông Lợi nói.

Về vấn đề nếu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì mức lương hưu có đủ bảo đảm cuộc sống hàng ngày hay không? Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì, Nghị quyết 12 Đại hội XII của Đảng trong phần 8 về an sinh xã hội có đề cập Nhà nước phải bảo đảm các dịch vụ cơ bản tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông), nghĩa là lương hưu chỉ còn bảo đảm lương thực, thực phẩm mà không bao gồm các yếu tố giáo dục, nhà ở và các yếu tố khác nên nó không đòi hỏi phải cao đến mức cần thiết.

“Hơn nữa, trong triển khai chính sách, Luật cũng đã quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội có thể đóng trước 5 năm, đóng sau 5 năm. Vì vậy, nếu với 15 năm đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội, thì có thể đóng 10 năm, sau đó xin đóng trước 5 năm cộng thêm lãi suất của 5 năm đó, xin đóng sau 5 năm cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội. Đó là vấn đề mà chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Để người dân tiếp cận được với BHXH toàn diện nhất

Để cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan, chính sách khác để động viên người dân tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, phát triển bảo hiểm xã hội không phải công việc của riêng ngành bảo hiểm xã hội mà tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Khi ban hành Nghị quyết 28, Trung ương cũng đã xác định trách nhiệm thực hiện của tất cả các cấp, các ngành. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện, dù công việc phải đảm đương rất lớn, nhưng ngành bảo hiểm xã hội vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này.

Điển hình như đối với vấn đề tuyên tuyền với người dân, tới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cùng với Tổng Công ty Bưu điện gắn biểu tượng, hình ảnh thể hiện lợi ích tham gia bảo hiểm xã hội trên các xe chuyển thư, hoặc đến các khu công nghiệp, khu chế xuất... các khu có tiềm năng phát triển bảo hiểm xã hôi để tập trung tuyên truyền.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các ứng dụng bảo hiểm xã hội để phục vụ người dân một cách tốt nhất; cải cách quy trình nghiệp vụ để thuận lợi nhất cho người dân, với mục tiêu năm 2018 là “Hướng tới sự hài lòng của người dân”.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, muốn triển khai hiệu quả Nghị quyết 28, nhất là muốn tăng nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn...

Nghị quyết 28 sẽ phải triển khai đúng tinh thần của nó, đến từng cấp ủy Đảng, chính quyền, đến tận các chi bộ để thực hiện; phải làm chuyển biến nhận thức của người dân, để họ thực sự thấy được tính ưu việt của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội; phải hiểu rằng, người dân tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm đối với xã hội.

Bên cạnh đó, ông Lợi cho rằng, cần thay đổi lại cơ cấu hỗ trợ mức đóng của Nhà nước cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội để khuyến khích, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Để thực hiện được điều đó, ông Lợi đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu để tạo cơ hội cho người dân. Cụ thể, phải tính toán, nghiên cứu, khảo sát khả năng của dân tham gia đến mức độ nào; ngành bảo hiểm xã hội phải tiếp tục vươn lên đổi mới về công nghệ, tin học với phong cách làm việc phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất./.