Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, việc tái cấu trúc nền kinh tế thông qua các cách tiếp cận mới để phát triển đất nước được coi là cơ hội và cũng là thách thức đối với các nước phát triển sau, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của CMCN 4.0, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia CMCN 4.0.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh phát biểu tại Hội thảo

“Đây là một Chiến lược rất quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan của Chính phủ để nghiên cứu, xây dựng các nội dung của Chiến lược. Trong quá trình xây dựng, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia tư vấn, viện nghiên cứu, đặc biệt việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, bài học rút ra trong quá trình triển khai CMCN 4.0 là nội dung rất quan trọng”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.

Theo ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam những năm gần đây được coi là tăng trưởng cao. Nhưng ở mức độ nào đó, kinh tế vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây được xem là điểm thấp nhất của chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra, ông Cung cũng cho biết, nhận thức của lãnh đạo, doanh nghiệp và công chúng nói chung về tầm quan trọng của công nghiệp 4.0 đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2016. Cam kết của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng rất mạnh mẽ về tăng cường sự sẵn sàng của quốc gia đối với công nghệ 4.0. Nâng cao khả năng giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội mà cách mạng công nghệ 4.0 đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Nói về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Đặng Quang Vinh cho rằng, trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp, do đó, năng suất thấp, thu nhập còn thấp. Vì vậy Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội phát triển, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia như mục tiêu, kỳ vọng…

“Hiện, Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ. Chính vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, tạo bước nhảy vọt về công nghệ, năng suất và tăng trưởng kinh tế”, ông Vinh nói.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, theo TS. Đặng Quang Vinh, Việt Nam cần đặt mục tiêu theo lộ trình nào, 5 năm hay 10 năm với mục tiêu cụ thể, số lượng doanh nghiệp công nghệ tham gia, số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kim ngạch xuất khẩu công nghệ, lao động trong lĩnh vực công nghệ... Cách thức thực hiện là Nhà nước trực tiếp đầu tư hay khuyến khích tư nhân phát triển công nghệ....

Chia sẽ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Singmeng, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore cho biết, xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cho CMCN 4.0, thì xác định thứ tự các lĩnh vực ưu tiên được quan tâm hàng đầu.

Ông Singmeng, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore phát biểu

“Singapore là một trung tâm về tài chính của khu vực và thế giới và cũng là trung tâm về du lịch chữa bệnh. Đó là thế mạnh của đất nước này giúp cho Chính phủ có thể lựa chọn ngành ưu tiên phù hợp”, ông Singmeng nói.

Đồng thời, ông Singmeng cũng chia sẻ, Singapore có đầu tư công đối với những ngành này. Nhưng, trên thực tế, Singapore không cấp khoản viện trợ không hoàn lại mãi mãi cho doanh nghiệp được mà chỉ có một thời gian nhất định vì nếu Chính phủ cứ đầu tư mãi vào một ngành không sinh lợi hoặc là nó bị phá sản thì khoản đầu tư đó không hiệu quả.

“Có một số cơ quan nhận được tài trợ của Chính phủ và tới lượt mình thì họ lại cấp cho doanhg nghiệp. chúng tôi không tài trợ 100% cho các dự án, không tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi tài trợ và phân bổ vốn theo tỷ lệ 50-50 hoặc 30-70. Doanh nghiệp cũng phải dựa vào bản thân họ, xem họ phải đóng góp được cái gì nữa”, ông Singmeng nói.

Còn đối với kinh nghiệm từ Đài Loan, Giáo sư Min-Ren Yan, nhà nghiên cứu chính sách cho Khoa học và Công nghệ Đài Loan chia sẻ: “Khi có ngành ưu tiên rồi, thì chúng tôi xây dựng kế hoạch hành động. Chúng tôi cũng áp dụng cho tất cả cơ quan bộ ngành, chính quyền địa phương vì ở mỗi địa phương có những hỗ trợ khác nhau về tăng trưởng kinh tế vùng. Sau đó địa phương hóa từng chính sách cho phù hợp từng vùng miền. Đôi khi phải có yếu nhân tham gia vào quá trình này, thường thì là Thủ tướng sẽ là người đứng đầu, là ngọn cờ tiên phong. Sau đó có 20 bộ ngành ở Đài Loan cùng nhau nỗ lực.

Giáo sư Min-Ren Yan, nhà nghiên cứu chính sách cho Khoa học và Công nghệ Đài Loan

“Điều quan trọng nhất là mỗi một ngành công nghiệp ưu tiên và kế hoạch thực hiện phải có kế hoạch ngân sách thực minh bạch, do Quốc hội rà soát, giám sát trước khi được thông qua, được công khai cho người dân biết để mọi người đều có thể thực hành việc giám sát. Đồng thời, chúng tôi cũng xin ý kiến khu vực tư nhân nữa”, ông Min-Ren Yan cho biết./.