Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng" do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp với Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Đại học Y Hà Nội), Khoa Khoa học Sức khỏe (Đại học Tây Bắc) và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức chiều ngày 20/08/2018.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhiệt điện than gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt, ở các đô thị và thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng. Trong báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016” của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017, đã khẳng định hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm bụi mịn ở một số khu vực đang vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.

Tại hội thảo, TS. Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí là do Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phương tiện xe tham gia giao thông khá lớn, với khoảng 38 triệu xe máy và khoảng 1,8 triệu ô tô đây là nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường. Ngoài ra, các hoạt động công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, các công trình xây dựng cũng góp phần sản sinh ra các chất gây ô nhiễm không khí, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng, Điều phối viên tại Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs - VN), thì nhiệt điện than cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Các nhà máy nhiệt điện than và việc sử dụng than tổ ong, than đá... tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các làng nghề thủ công và các hộ gia đình... không chỉ gây ô nhiễm không khí, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh, như: hen, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ; bệnh tim, đột qụy, tắc nghẽn phổi mạn tính và ung thư ở người lớn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến một số triệu chứng kích ứng về mắt, họng và mũi.

Theo Báo cáo năm 2013 của Liên minh Sức khỏe và Môi trường thực hiện tại châu Âu phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than trên toàn châu Âu là tác nhân lớn gia tăng gánh nặng bệnh tật. Cụ thể, đã có hơn 18.000 ca tử vong sớm, khoảng 8.500 ca bệnh viêm phế quản mãn tính, hơn bốn triệu ngày làm việc bị mất và các chi phí y tế cho bệnh do phát thải của việc đốt than gây ra là khoảng 42,8 tỷ euro/năm.

Còn theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tại Việt Nam, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất tại Việt Nam.

Cần xây dựng hệ thống giám sát tác động

Do đó, theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, trong thời gian tới cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động ô nhiễm không khí, nhất là không khí trong nhà tác động đến sức khỏe; Rà soát các chính sách về ô nhiễm không khí và sức khỏe; Xây dựng chính sách bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí; Xây dựng chính sách bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí, bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn; Xây dựng kế hoạch hành động để giảm thiểu tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe; Nâng cao năng lực quan trắc giám sát chất lượng không khí nơi làm việc, bệnh viện; Đồng thời, nâng cao năng lực đánh giá sức khỏe.

Đồng quan điểm, TS.Trần Tuấn, Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe (Đại học Tây Bắc) cho rằng, cần xây dựng hệ thống giám sát tác động của nhiệt điện than tới sức khỏe cộng đồng và đảm bảo nguồn kinh phí duy trì vận hành thật tốt trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia đến từ Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) đã giới thiệu về mô hình kiểm soát ô nhiễm không khí của Hoa Kỳ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh lợi ích kinh tế, phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm chi tiêu cho nhập khẩu về dài hạn và tăng thêm lợi thế cho nền kinh tế cũng như giảm phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu./.