Đó là khuyến nghị của bà Akiko Fujii, Đồng chủ trì Nhóm Quản lý chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam tại hội thảo “Giới thiệu báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 24/08/2018.

Toàn cảnh hội thảo

Những thành tựu đạt được

Tại hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai cho biết, báo cáo Rà soát Quốc gia tự nguyện của Việt Nam đã nêu bật được 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, được Việt Nam quốc gia hóa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Theo đó, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật, như: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%; trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017; Tỷ lệ nhập học đúng tuổi cấp Tiểu học là 99,0% và tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục Tiểu học là 99,7% năm học 2016-2017; Bình đẳng giới ở Việt Nam đã dần trở thành nội dung xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội với nhiều thành tựu nổi bật. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2016-2021) là 26,7%;

Năm 2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 93,4% và hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện lưới; Tỷ lệ dân số sử dụng internet là 54,2% năm 2017; Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường cũng đã được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, đạt 41,5% năm 2017.

“Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Tới đây, mục tiêu phát triển bền vững tiếp tục được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 của Việt Nam”, TS. Phạm Hoàng Mai khẳng định.

Đánh giá về báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam, TS. Michael Krakowski, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và Tăng trường xanh, GIZ, Cộng hòa Liên bang Đức khẳng định, không một quốc gia nào tự mình có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của cả hành tinh. Do đó, ông tin rằng, Rà soát quốc gia tự nguyện sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy chính sách và các thể chế của chính phủ, huy động sự hỗ trợ của nhiều bên và thiết lập quan hệ đối tác để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam.

Còn theo bà Akiko Fujii, Đồng chủ trì Nhóm Quản lý chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã xây dựng thành công báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện và đây là một báo cáo toàn diện so với báo cáo của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận liên quan đến vấn đề xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, bà Akiko Fujii cho rằng, xóa đói giảm nghèo vẫn là một vấn đề vô cùng thách thức. Vì vậy, Việt Nam luôn phải ghi nhớ nguyên tắc “không bỏ ai ở lại phía sau”.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức của Việt Nam, TS. Phạm Hoàng Mai cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai bất thường, điều này sẽ tác động không nhỏ tới tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; Cùng với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam dễ bị tác động bởi những biến động của kinh tế thế giới và cũng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường, xã hội và các thách thức phi truyền thống khác.

Hơn nữa, nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn, trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bị thu hẹp do Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cần làm gì để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam?

Đề xuất cho Việt Nam những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bà Akiko Fujii cho rằng, sẽ không có mô hình nào phù hợp cho tất cả. Do đó, để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam nên đưa ra những phương pháp, mô hình mang tính đổi mới, sáng tạo để vượt qua thách thức, khó khăn. Đặc biệt, phát triển bền vững phải giải quyết được các vấn đề, như: khí hậu, giao thông, môi trường, y tế…

Bên cạnh đó, bà Akiko Fujii khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia rộng rãi của các bên, đặc biệt là thanh niên, cũng như việc tiếp tục cam kết chính trị cấp cao nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam mạnh dạn áp dụng các giải pháp sáng tạo thay cho cách làm truyền thống và thiếu sự phối hợp.

Bổ sung thêm phần giải pháp, TS. Michael Krakowski chia sẻ, việc nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở dữ liệu là vô cùng quan trọng. Vì hiện nay, chúng ta đang khó khăn trong liên kết dữ liệu trong phân bổ nguồn ngân sách với các hoạt động kinh tế.

Hơn nữa, để thực hiện nguyên tắc “không bỏ lại ai ở phía sau” thì dữ liệu phải phân bổ chi tiết. Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng tất cả các cơ hội mà phát triển bền vững mang lại để đạt được những bước tiến mới.

Đồng tình với những ý kiến trên, TS. Phạm Hoàng Mai cho rằng, để thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần các nguồn lực kỹ thuật và con người, hỗ trợ tài chính cũng như tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức với cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Tiếp tục thúc đẩy việc phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt giữa cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế./.

Ngày 16/07/2018 đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Diễn đàn chính trị cấp cao 2018, với sự hỗ trợ của GIZ và Liên hợp quốc tại Việt Nam, do ông Nguyễn Thế Phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn, là một trong 47 quốc gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện tại phiên họp tháng 7/2018 của Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 vì sự phát triển bền vững, tại New York.