Đó là những thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đưa ra tại Hội thảo công bố "Bản tin Cập nhật thị trường lao động Việt Nam - số 18, quý II/2018" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê tổ chức chiều ngày hôm nay (18/09/2018).

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, thị trường lao động quý II/2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể: về trình độ chuyên môn kỹ thuật, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 12,04 triệu người, tăng gần 267.000 nghìn người so với quý II/2017; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 21,85%, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Về việc làm, quý II/2018 số người có việc làm là 54,02 triệu, tăng 29,9 nghìn người (0,3%) so với quý I/2018 và tăng 619,5 nghìn người (1,16%) so với quý II/2017. Bên cạnh đó, có 23,66 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 43,80% trong tổng số lao động có việc làm, tăng nhẹ so với quý I/2018 là 43,52% và quý II/2017 là 42,77%.

Về thất nghiệp và thiếu việc làm cũng có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, số lượng và tỷ lệ lao động trong độ tuổi thất nghiệp giảm nhẹ so với quý I/2018 và cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, cả nước có 1.061,5 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5,6 nghìn người so với quý I/2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm còn 2,19%. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm xuống còn 126,9 nghìn người, giảm 15,4 nghìn người so với quý I/2018; nhóm trình độ cao đẳng có trên 70,8 nghìn người thất nghiệp, giảm 18 nghìn người so với quý I/2018.

Ngoài ra, thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi giảm cả về số lượng và tỷ lệ so với quý I/2018. Cụ thể, quý II/2018, cả nước có 677.000 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, giảm 41,2 nghìn người so với quý I/2018 và giảm 79.000 nghìn người so với quý II/2017.

Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong quý II/2018 vẫn còn những hạn chế nhất định.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng nhẹ, quý II/2018 có 511,2 nghìn thanh niên thất nghiệp, tăng 0,4 nghìn người so với quý I/2018, chiếm 48,16% tổng số người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở vùng Đông Nam Bộ (2,84%), tăng mạnh so với quý trước. Tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (2,62%). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về khu vực trung du miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Đồng thời, thu nhập của lao động làm công hưởng lương giảm nhẹ so với quý I/2018.

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì lý do khiến thu nhập của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2018 giảm nhẹ so với quý I/2018, là do doanh nghiệp chi trả nhiều khoản tiền thưởng Tết trong quý I/2018. Đó là nguyên nhân khiến thu nhập của lao động trong quý I/2018 tăng lên.

Tuy có giảm 166.000 nghìn đồng so với quý I/2018, nhưng mức thu nhập trung bình là 5,62 triệu đồng của quý II/2018 vẫn tăng 223.000 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2017.

“Trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, trong đó giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là những ngành được thưởng nhiều nhất trong dịp Tết (quý I/2018)”, ông Đào Quang Vinh cho biết.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, dù thu nhập thấp hơn quý I/2018, nhưng thu nhập của quý II/2018 vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2017. Điều này chứng tỏ tác động tăng của tiền lương tối thiểu, công tác tổ chức sản xuất của doanh nghiệp tốt và bình quân số lượng việc làm gia tăng. Do đó, thu nhập cải thiện, năm sau tăng hơn năm trước…

Còn về xếp hạng mức thu nhập, khảo sát của Bản tin cho thấy, lao động có trình độ đại học đạt mức thu nhập cao nhất, khoảng 7,87 triệu đồng. Tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp với mức 6,51 triệu đồng.

Theo ông Đào Quang Vinh, qua khảo sát tại doanh nghiệp cho thấy, lao động trình độ sơ cấp làm theo dây chuyền và thu nhập ổn định cũng như làm thêm giờ cao nên thu nhập tăng.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định, mức thu nhập tạm thời của sơ cấp cao hơn trung cấp, cao đẳng. Một phần bởi thu nhập từ làm thêm giờ của lao động sơ cấp nhiều hơn lao động cao đẳng, trung cấp.

“Tuy nhiên, về lâu dài, thu nhập của nhóm sơ cấp sẽ không cao bằng nhóm cao đẳng, đại học. Bởi xu thế phát triển công nghệ ngày càng tăng, đặc biệt là công nghệ 4.0 Do đó, lao động có trình độ cao sẽ chiếm ưu thế về mức thu nhập", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dự báo.

Quý II/2018 cũng chứng kiến lao động trong khu vực công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 123.000 người, chỉ đứng sau khu vực nông lâm thuỷ sản với 179.000 người. Thực trạng này trái với xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo vào thời điểm kết thúc quý II. Theo đó khu vực này đã trở thành điểm sáng của cả nền kinh tế với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nếu như lao động trong ngành nông lâm thuỷ sản giảm là dấu hiệu đáng mừng, thì động thái tương tự trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại đặt ra lo ngại về việc chuyển dịch cơ cấu lao động không hẳn bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, nếu so sánh với tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên rất nhanh; đồng thời giá trị gia tăng, đóng góp đối với nền kinh tế cũng tăng lên nhanh hơn, thì việc lao động giảm đi cho thấy các doanh nghiệp trong khu vực này đã có sự thay đổi áp dụng công nghệ, từ đó giảm lao động, tăng năng suất lao động.

Về triển vọng thị trường lao động quý III/2018, ông Đào Quang Vinh dự báo, tổng số lao động có việc làm đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý II/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngành tiếp tục có nhu cầu lao động với mức tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, như: sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; thoát nước và xử lý nước thải… Tuy nhiên, một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm, như: nông lâm thủy sản; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.../.