Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tối 3/10 phát thông cáo đặc biệt về sự ra đi của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Theo thông cáo, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23h12 phút, ngày 1/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Thông cáo nhấn mạnh, ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang.

Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 6/10 đến 7h30 phút ngày 7/10; lễ truy điệu tổ chức vào 9h, ngày 7/10; Lễ an táng từ 13h cùng ngày tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Ban lễ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gồm 39 người. Trưởng ban là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các thành viên gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng...

Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân.

Năm 1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.

Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.

Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu một số bộ, ngành, nhiều năm tham gia lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.

Tóm tắt quá trình công tác của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười