Cho biết giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn cơ bản đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, bình quân là 2%/năm, trong đó những huyện miền núi, khó khăn giảm khoảng 4%/năm, Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, phấn đấu đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Mấy năm gần đây, kinh tế hết sức khó khăn, nhiều chính sách đã phải cắt giảm nguồn vốn thực hiện nhưng riêng nguồn lực cho giảm nghèo không giảm mà còn tăng.

“Nếu bình quân trong giai đoạn 2008-2012,chúng ta dành khoảng 90.000 tỷ đồng/năm cho giảm nghèo, thì giai đoạn 2011-2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo là 364.000 tỷ đồng, tương đương 120.000 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng cho biết.

Để tiếp tục giữ giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Chuyền cho hay, thời gian gần đây, những chính sách dành cho người nghèo cần phải được điều chỉnh theo hướng:

(1) Phải xác định đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất để người nghèo có điều kiện thoát nghèo.

(2). Đầu tư tăng nguồn lực từ vay tín dụng thay cho hỗ trợ trực tiếp.

(3) Do đặc thù của Việt Nam phải chịu thiên tai rất khắc nghiệt, nếu hộ cận nghèo không được quan tâm thì sẽ bị tái nghèo rất nhanh. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ cho hộ nghèo thì tới đây sẽ có một số chính sách mới cho các đối tượng là cận nghèo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chuyền cũng nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo không phải là chính sách trợ cấp xã hội. Vì thế, phải có chính sách cho từng đối tượng.

Những năm vừa rồi chúng ta thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Trong khi chính sách hướng tới giảm nghèo bền vững, thì không chỉ có hỗ trợ trực tiếp, mà phải đầu tư nguồn lực, đầu tư hạ tầng cho những vùng nghèo. Đồng thời, dành nguồn lực từ ngân sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện vốn ưu đãi cho người nghèo vay để phát triển kinh tế, đồng thời tạo điều kiện khích lệ, động viên hộ nghèo tự vươn lên là chính.

“Vì vậy, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa bằng những chính sách cụ thể, dài hơi hơn chứ không chỉ bằng những chính sách trực tiếp như hiện tại chúng ta đang làm. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng rất cần cho từng giai đoạn”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Về mục tiêu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500.000 hộ nghèo, Bộ trưởng Chuyền cho biết, thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Bộ Xây dựng đã tổng kết và đến năm 2012 đã hỗ trợ cho 531.000 hộ nghèo có nhà ở với phương thức rất hiệu quả khi Chính phủ hỗ trợ không quá 1/3 giá trị xây dựng, còn lại là gia đình, dòng họ cùng đóng góp để làm nhà cho hộ nghèo.

“Vì vậy, chúng ta đã đạt được mục tiêu trước thời gian và đến nay, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2”, Bộ trưởng khẳng định.