Những thành công bước đầu triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ

Tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương và đang trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, với quy mô diện tích là 2.917,4 ha, vào Quy hoạch phát triển các KCN của cả nước. Hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm lựa chọn các KCN có khả năng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí để chuyển đổi thành KCN sinh thái theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

Công nhân Công ty TNHH Keihin Việt Nam làm việc trong KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên

Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên đang triển khai thực hiện rà soát chức năng nhiệm vụ của các phòng chuyên môn nghiệp vụ theo hướng giảm đầu mối; rà soát đánh giá tình hình sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định đối với cán bộ công chức, lao động trong các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ban, làm căn cứ để điều chỉnh số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, lao động gắn với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm và để ra hướng giải quyết cho các năm tiếp theo; rà soát, để tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, theo hướng chuyển đổi sang mô hình hoạt động của doanh nghiệp…

Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 82/2018/NĐ-CP

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, đến nay có một số nhiệm vụ Ban quản lý các KCN Hưng Yên (Ban) chưa được ủy quyền thực hiện, cụ thể:

Vê lĩnh vực quản lý lao động, Ban mới được ủy quyền 7/13 nội dung theo hướng dẫn của Bộ Lao động thương binh và xã hội tại Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014. Do vậy, chưa bảo đảm được sự thống nhất, một đầu mối trong công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN tỉnh và chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp do phải thực hiện thủ tục tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường, trước đây Ban đã được ủy quyền tổ chức thẩm định, và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực, Ban đã báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên việc dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, do không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn về biên chế chuyên môn theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, để thực hiện.

Quy trình điều chỉnh bổ sung quy hoạch, chấp thuận đầu tư hạ tầng KCN thời gian qua còn có nhiều khó khăn, kéo dài. Để hoàn thiện thủ tục điều chỉnh bổ sung 01 KCN, theo Nghị dịnh 82 thì hồ sơ phải có 03 lần trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, gồm: trình bổ sung KCN vào trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam; trình quyết định chủ trương đầu tư; trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN khá dài, trong khi đó nhiều nội dung thẩm định đã được thực hiện trong quá trình bổ sung quy hoạch. Trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể mà giao lại cho địa phương tiếp tục quy định chi tiết. Điều này phát sinh thêm thủ tục, kéo dài thời gian và gia tăng chi phí thực hiện thủ tục, ảnh đến tiến độ triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Quy định về điều chỉnh lần đầu, điều chỉnh diện tích KCN do đo đạc tại Nghị định yêu cầu khi điều chỉnh, đo đạc chênh lệch dưới 10% nhưng không quá 20 ha phải xin ý kiến các Bộ ngành, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự thực hiện. Và nếu chỉ chênh lệch 1 – 2 ha cũng phải xin ý kiến là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, tạo thêm thủ tục khi thực hiện.

Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái còn có nhiều khó khăn, do các tiêu chí xác định KCN sinh thái còn quá cao nên rất ít nhà đầu tư hạ tầng KCN có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, còn chưa rõ ràng, nên việc triển khai các thủ tục chứng nhận KCN sinh thái còn có nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chứng nhận doanh nghiệp sinh thái trong KCN chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ để Ban Quản lý KCN, KKT tổ chức thực hiện.

Theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Ban Quản lý các KCN theo phân cấp, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ; kiểm tra, kiểm soát công nghệ và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp. Luật Khoa học và Công nghệ và các Nghị định, văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay thì các dự án đầu tư đầu tư phải được thẩm định về công nghệ trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chỉ yêu cầu thẩm tra công nghệ đối với các dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Đối với các dự án còn lại nhà đầu tư chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thực hiện dự án về cơ quan đăng ký đầu tư, trong hồ sơ không yêu cầu giải trình về công nghệ sử dụng cho dự án và thời hạn giải quyết thủ tục hành chính là trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ. Việc quy định như trên là chưa thống nhất và không đảm bảo đầy đủ hồ sơ và thời gian để tổ chức thẩm định.

Việc sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP còn có nhiều vướng mắc, do một số lĩnh vực yêu cầu quản lý nhà nước cần phải chuyên sâu. Để thống nhất trong triển khai thực hiện cần có hướng dẫn khung đảm bảo các phòng quản lý đa lĩnh vực, phải đảm bảo kết hợp hiệu quả giữa khả năng tổng hợp và chuyên sâu.

Giải pháp triển khai hiệu quả Nghị định 82/2018/NĐ-CP

Ông Phạm Thái Sơn -Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, các Bộ quản lý chuyên ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, theo đó:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp sớm hướng dẫn về việc thành lập, phân loại, xếp hạng và tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy Ban quản lý KCN, KKT. Trong đó cần có mô hình khung về tổ chức bộ máy các Ban Quản lý KCN, KKT (gồm có số lượng phòng chuyên môn nghiệp vụ, số lượng vị trí việc làm, biên chế tối thiểu cần thiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ). Tiêu chí xây dựng mô hình khung cần căn cứ vào: Số lượng các KCN đã được phê duyệt quy hoạch, số lượng các KCN đi vào hoạt động, số lượng dự án đầu tư tại các KCN...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm hướng dẫn cụ thể hơn việc xây dựng KCN sinh thái (trình tự thủ tục, tiêu chí chuyển đổi, thành lập KCN sinh thái, trình tự thủ tục chứng nhận doanh nghiệp sinh thái). Hướng cụ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ xin ý kiến các Bộ khi điều chỉnh, mở rộng, chênh lệch diện tích KCN do đo đạc dưới 10%. Theo đó quy định nếu do đo đạc mà chênh lệch diện tích dưới 5ha thì UBND tỉnh quyết định mà không cần xin ý kiến. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số nội dung trong Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn thi hành theo hướng: Tập trung phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN sau khi xin ý kiến thẩm định và được chấp thuận bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hướng dẫn Ban quản lý các KCN, KKT thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong KCN, KKT; hướng dẫn việc tổ chức thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ trong KCN, KKT cho phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN, KKT; hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; xem xét, sửa đổi điều kiện ủy quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015, theo hướng không quy định bắt buộc số lượng biên chế từ năm (05) người trở lên có chuyên môn về bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh mới được ủy quyền cho Ban quản lý các KCN, KKT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà nên căn cứ vào điều kiện thực tế, các Ban quản lý các KCN, KKT có thể đảm đương, thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, với đủ các chuyên gia, cán bộ chuyên môn về bảo vệ môi trường để thực hiện, đảm bảo theo đúng các quy trình, quy định hiện hành./.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT (Nghị định số 82/2018/NĐ-CP), đã phân tách và quy định chi tiết trình tự quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN và quy hoạch, thành lập KKT thay vì quy định chung và xen kẽ như trong Nghị định 29/2008/NĐ-CP trước đây; đồng thời bổ sung thêm mô hình KCN hỗ trợ, KCN sinh thái và KCN- đô thị - dịch vụ. Tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các nhà đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ trong từng thời kỳ.