Trình bày Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Quốc hội căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH15, căn cứ Nội quy kỳ họp, căn cứ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ biên bản kiểm phiếu, quyết nghị phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.

461/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với ông Nguyễn Mạnh Hùng

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với 461/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,05% tổng số đại biểu Quốc hội.

Cuối giờ chiều qua (23/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội phương án bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên TƯ Đảng, người hiện giữ quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông vào vị trí tư lệnh chính thức của ngành này.

Quốc hội cũng đã có thời gian thảo luận tại đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng mới của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nguyên là Thiếu tướng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Uỷ viên TW Đảng ở thời điểm Bộ Chính trị chỉ định ông giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021 hồi tháng 7 vừa qua.

Khi đó, ông cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho ông Hùng khi cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận kỷ luật do những sai phạm mắc phải trong vụ AVG.

Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn bằng bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn./.