Phát biểu tại buổi công bố, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Sudhir Shetty cho biết, báo cáo xác định sự kết hợp của cả hai ưu tiên chính sách mới và cũ trong 5 lĩnh vực chính trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của nền kinh tế khu vực Đông Á, bao gồm: thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế; xây dựng các kĩ năng; tăng cường hòa nhập; tăng cường thể chế nhà nước; hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang tình trạng thu nhập cao.

Ông Sudhir Shett - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương

Bên cạnh đó, ông Sudhir Shetty còn đưa ra một số nhận định về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

“Trong bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ - Trung đang ngày một leo thang, Việt Nam sẽ được hưởng lợi, có nhiều cơ hội có thể tận dụng khi thương mại toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch”, ông Sudhir Shetty nói.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đây chỉ là những cơ hội cho khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong ngắn hạn. Đối với trung hạn, khi thương mại toàn cầu suy giảm, sự bất ổn do chiến tranh thương mại cũng giảm, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực Đông Á cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết các nguy cơ về kinh tế để tiếp tục hội nhập và phát triển nền kinh tế khu vực bền vững.

Trả lời những câu hỏi của phóng viên xoay quanh vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội cho Việt Nam, ông Sudhir Shetty lưu ý thêm, Việt Nam cần phải tiếp tục thúc đẩy mở rộng thị trường dịch vụ để tham gia vào thương mại. Bởi, khi công nghệ phát triển lên, dịch vụ ngày càng quan trọng, và là một trong những yếu tố chính để tạo nên giá trị của sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cố gắng tận dụng được việc ký kết các hiệp định, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU. Chính phủ Việt Nam cũng nên nhìn vào những rào cản còn tồn tại trong nền kinh tế quốc gia nhằm tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai và vốn; nỗ lực kết nối khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Sudhir Shetty cho biết.

Đối với cuộc đua “Cách mạng Công nghiệp 4.0” và cơ hội bứt phá cho Việt Nam, ông Sudhir Shetty nhận định, Việt Nam là một trong số nhiều nước trong khu vực còn tồn tại sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ, thông tin số. Đây là một trong những thách thức, gây trở ngại cho Việt Nam nói chung và các quốc gia khác nói riêng trong việc nắm bắt các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thích ứng với sự chuyển biến của thị trường kinh tế toàn cầu và chuyển đổi lên mức thu nhập cao hơn.

Để giải quyết thách thức này, ông Sudhir Shetty cho biết, Việt Nam cần phải tăng cường khả năng tiếp cận với công nghệ, thông tin số một cách bao trùm để giảm chi phí tiếp cận thông tin cho mọi người; xây dựng, nâng cao các kĩ năng về cảm xúc xã hội và kiến thức kỹ thuật số để không bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển bền vững nền kinh tế trong nước và trong khu vực./.