Đó là thông tin được nêu bật tại Hội thảo Công bố Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người, diễn ra ngày 19/12/2018 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị

Khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo

Theo báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam, Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa nghèo. Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể và được quốc tế ghi nhận.

Cụ thể, tỷ lệ nghèo trên đầu người đã giảm mạnh từ 57% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014. Tỷ lệ nghèo đa chiều cũng giảm đáng kể từ 15.9% năm 2012 xuống còn 9.1% năm 2016, tương đương với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc về chỉ số phát triển bền vững năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo ở mọi khía cạnh và ở mọi nơi. Đó là:

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Còn đối với các nhóm dân tộc, tỷ lệ nghèo đa chiều cũng có sự chênh lệch khá lớn. Năm 2016, tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc Kinh là 6,4%, thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, như: dân tộc H’Mong là 76,2% , Dao 37,5%, và Khmer là 23,7%.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thêm, mặc dù dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm hơn 50% số hộ nghèo cả nước, có một số dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, như: dân tộc La Hu 83%, dân tộc Mang 79%.

Có một số vùng dân tộc có tỷ lệ nghèo cao điển hình như vùng dân tộc tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ hộ nghèo 88%, tỉnh Bình Định là 76%, tỉnh Quảng Nam là 72% và tỉnh Nghệ An là 59%.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy, khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016.

Đồng thời, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhóm đối tượng người khuyết tật trong các hộ nghèo đa chiều. Các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật ít được tiếp cận với cơ hội giáo dục và việc làm hơn so với mức trung bình của cả nước. Hơn nữa, trợ giúp xã hội người khuyến tật trong hộ nghèo đa chiều nhận được chưa cân xứng.

Cần nhiều giải pháp để không có ai bị bỏ lại phía sau

Để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc để không có ai bị bỏ lại phía sau, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân và áp dụng công nghệ 4.0 vào trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, Nhà nước và người dân cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xoá nghèo. Đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cho những địa phương, nhóm đối tượng nghèo; tăng cường phân cấp trao quyền cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong việc ra quyết định.

Còn dưới góc độ của nhóm nghiên cứu, bà Phạm Minh Thu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường minh bạch, chống tham nhũng để có thêm nguồn lực cho giảm nghèo và kiềm chế gia tăng bất bình đẳng.

Cùng với đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất./.